Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về dạy học ngoại ngữ

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong02/02/2025

TPO - Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên là một trong những giải pháp mạnh mẽ được các trường học tại Thủ đô Hà Nội thực hiện trong thời gian qua.


TPO - Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên là một trong những giải pháp mạnh mẽ được các trường học tại Thủ đô Hà Nội thực hiện trong thời gian qua.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì (Hà Nội) cho biết, thực tế địa phương là huyện ngoại thành với nền giáo dục còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của thành phố, nhất là môn ngoại ngữ.

Xác định rõ khó khăn từ thực tế đó, từ năm 2019, Phòng GD&ĐT đã triển khai đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ”, trong đó việc đầu tiên là ký kết hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên.

Hà Nội: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về dạy học ngoại ngữ ảnh 1

UBND huyện Ba Vì ký kết hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên.

Theo kế hoạch, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh tiểu học, THCS ban đầu chỉ thực hiện thí điểm tại 10/35 trường học.

Sau đó, đánh giá thấy hiệu quả, đề án triển khai tại 35/35 trường THCS và đến năm 2025 thực hiện toàn bộ 69/69 trường THCS và trường tiểu học. Kế hoạch được coi là đột phá trong việc nâng cao chất lượng Tiếng Anh trong các trường học.

Ông Oanh cho rằng, muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi nên tập nâng chuẩn cho giáo viên. Giáo viên được tập huấn bởi Sở GD&ĐT Hà Nội, giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giáo viên cốt cán môn Tiếng Anh của quận Ba Đình, Trường THPT&THCS Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội); Trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển- Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.

Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy học sinh học ngoại ngữ nữa đó là xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ Tiếng Anh cho giáo viên và học sinh.

"Để học sinh làm quen, phát triển ngôn ngữ tiếng Anh thông qua những hoạt động cụ thể như: tiếp cận với tiếng Anh qua tranh vẽ, hình ảnh, khẩu hiệu; ca múa giữa giờ theo nhạc và lời các bài hát tiếng Anh; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi tập thể, gian hàng tiếng Anh; thư viện tiếng Anh ngoài trời…”,ông Oanh nói.

Các trường học cũng mở rộng kiến thức địa lí, lịch sử bằng tiếng Anh về các địa danh trong và ngoài địa phương thông qua thực hành giao tiếp tại các buổi tham quan, trải nghiệm.

Đối với học sinh THCS ngoài các hoạt động trên, các trường còn tổ chức các buổi tuyên truyền sách, giới thiệu văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh, thi hùng biện bằng tiếng Anh; tổ chức cho học sinh THCS giao lưu với các em học sinh tiểu học ...

Các hoạt động tổ chức dưới hình thức hoạt động ngoài giờ học tiếng Anh, tích hợp với các giờ thực hành và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Câu lạc bộ 200+

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài bồi dưỡng, nâng trình độ giáo viên còn có câu lạc bộ 200+ quy tụ các giáo viên tiếng Anh cốt cán đến từ nhiều trường học khác nhau.

Câu lạc bộ được thành lập với mục tiêu chung tay nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, xây dựng cộng đồng giáo dục đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau với quan điểm, khi nào mọi giáo viên và học sinh, dù ở bất kỳ đâu, đều được tiếp cận với cơ hội học tập công bằng thì chất lượng giáo dục mới thực sự bền vững.
Chính vì vậy, các hoạt động của câu lạc bộ không chỉ giới hạn ở các khu vực nội thành Hà Nội mà còn hướng đến những địa phương xa xôi, nơi còn nhiều thách thức trong giáo dục ngoại ngữ.

Hà Nội: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về dạy học ngoại ngữ ảnh 2

Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các nhà trường, nhất là trường vùng khó khăn.

Suốt khóa học nâng chuẩn IELTS cho giáo viên, bằng những trải nghiệm và kiến thức đã tích lũy được trong quá trình học tập và bồi dưỡng, các thành viên CLB 200+ đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các thầy cô giáo một cách tận tâm như: Chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm và trực tiếp hướng dẫn các chiến lược học tập cũng như các kỹ năng dạy học, làm bài thi.

Các buổi học này không chỉ nâng cao trình độ ngoại ngữ mà còn giúp các thầy cô tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ, từ đó áp dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy.

Đặc biệt, có thầy giáo mặc dù mở lớp hỗ trợ trong khung giờ rất khuya (từ 22h30 - 23h30) nhưng đã thu hút rất nhiều đồng nghiệp tham gia học tập sôi nổi trong nhiều tuần liên tục.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề, các lớp học trực tuyến để hỗ trợ giáo viên Yên Bái, giáo viên vùng khó và học sinh. Với các đối tượng này, câu lạc bộ xây dựng bộ tài liệu giảng dạy, các bài kiểm tra và các khóa học bồi dưỡng đã được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Sự hỗ trợ lẫn nhau không chỉ giúp từng cá nhân tiến bộ mà còn góp phần tạo nên một môi trường học tập tích cực.

Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, sau một thời gian hoạt động câu lạc bộ đã đem đến hiệu quả tích cực.

Đó là, tỷ lệ giáo viên tại các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia khóa học đạt chuẩn IELTS đã tăng lên con số hàng nghìn; nhiều giáo viên đạt các chứng chỉ quốc tế, khẳng định được năng lực chuyên môn; Học sinh ở các vùng ngoại thành và vùng khó khăn ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, giúp các em tự tin tham gia các kỳ thi lớn; giáo viên các trường nội thành, ngoại thành cũng như các địa phương chia sẻ tài liệu, phương pháp dạy học.

Hà Linh



Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-no-luc-thu-hep-khoang-cach-ve-day-hoc-ngoai-ngu-post1713583.tpo

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available