Bộ Tài chính Mỹ cho biết, ước tính Bộ sẽ vay khoảng 760 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 3/2024, giảm so với dự kiến 816 tỷ USD được đưa ra tháng 10/2023.
Kinh tế Mỹ đón nhiều tin vui trong tháng 1/2024. (Nguồn: Twitter) |
Bộ Tài chính Mỹ ước tính, số dư tiền mặt của cơ quan này vào cuối tháng 3/2024 vẫn giữ ở mức 750 tỷ USD trong khi nhu cầu vay thấp hơn do dòng tài chính ròng dự kiến cao hơn và lượng tiền mặt sẵn có nhiều hơn dự kiến.
Trong khi đó, số lượng trái phiếu bán ra của các công ty Mỹ tăng mức kỷ lục trong tháng 1/2024.
Các công ty có mức vốn hóa thị trường lớn và uy tín cao trên thị trường đã bán 188,57 tỷ USD trái phiếu ở Mỹ từ đầu tháng 1/2024, trong bối cảnh các công ty tìm cách tận dụng sự sụt giảm của chi phí vay dài hạn.
Doanh số này đã phá con số trước đó của tháng 1/2017 là khoảng 175 tỷ USD. Cho đến hết tháng Một sẽ còn các đợt bán trái phiếu nữa nên một số chuyên gia cho rằng các công ty có thể đạt doanh thu 200 tỷ USD trái phiếu trong tháng này.
Dù vậy, doanh số của tháng 1/2024 vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục 285 tỷ USD vào tháng 4/2020.
Doanh số bán trái phiếu đã tăng vọt sau khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp chính sách cuối tháng này, để kiềm chế lạm phát và có thể sớm bắt đầu cắt giảm, khiến lợi suất trái phiếu giảm xuống và giảm chi phí vay cho các công ty.
Lợi suất trung bình của một trái phiếu có kỳ hạn từ 10 năm trở lên đã giảm xuống 5,44% hôm 26/1, từ mức 6,6% vào giữa tháng 10. Trước tình hình trên, nhiều nhà đầu tư mong muốn mua trái phiếu doanh nghiệp dài hạn hơn và chốt lãi suất trước khi chúng giảm sâu hơn.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2023 của nước này đạt 2,5%, tăng so với mức 1,9% vào năm 2022.
Người tiêu dùng được coi là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Mức chi tiêu của họ tăng 2,8% hằng năm trong quý cuối cùng của năm 2023.