Loài cá nhỏ sống trong những vùng nước nông ở Myanmar gây ấn tượng cho giới khoa học với khả năng tạo ra âm thanh lên tới 140 decibel.
Danionella cerebrum, loài cá nhỏ với chiều dài cơ thể không quá 12 mm, tạo ra âm thanh lên tới hơn 140 decibel, IFL Science hôm 28/2 đưa tin. Trong khi đó, âm thanh với độ lớn 150 decibel đã có thể đủ mạnh để làm thủng màng nhĩ. Âm thanh lớn nhất từng ghi nhận trên Trái Đất là vụ phun trào núi lửa Krakatoa, đạt mức 172 decibel ở khoảng cách xa tới 160 km. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PNAS.
“Loài cá nhỏ bé này có thể tạo ra âm thanh trên 140 decibel ở khoảng cách 10 – 12 mm, mức này có thể so sánh với tiếng ồn mà con người cảm nhận được khi máy bay cất cánh ở khoảng cách 100 m và rất bất thường với một loài vật nhỏ bé như vậy”, tiến sĩ Ralf Britz tại Bảo tàng Bộ sưu tập Lịch sử Tự nhiên Senckenberg, cho biết.
Để tìm hiểu cách chúng tạo ra âm thanh lớn, nhóm nghiên cứu sử dụng video tốc độ cao kết hợp với biểu hiện gene và phát hiện, các con đực sở hữu một loạt yếu tố tạo âm thanh độc đáo bao gồm xương sườn chuyên biệt, sụn “đánh trống” và cơ bắp chắc khỏe chịu mỏi tốt.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, âm thanh sinh ra từ sự rung động của bong bóng cá, trong đó các cơ co lại khiến các cấu trúc va vào bong bóng. Không giống những loài cá khác sử dụng phương pháp tương tự để tạo ra âm thanh, Danionella cerebrum có thể sử dụng các đợt co cơ lặp đi lặp lại ở một bên thân. Cơ chế này chưa từng được ghi nhận ở bất cứ loài cá nào khác.
Danionella cerebrum có hai cơ âm thanh chứa sụn đánh trống. Cơ co lại làm dịch chuyển xương sườn. Điều này khiến sụn bị kéo lại, tạo sức căng. Khi được thả ra, sụn đập vào bong bóng tạo tiếng động lớn.
Ngoài tự nhiên, Danionella cerebrum sống trong những vùng nước nông ở Myanmar, thường mờ đục nên khó nhìn thấy những con cá khác xung quanh. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng chúng đã phát triển phương pháp giao tiếp này. Chúng cũng đang được quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh vì có cơ thể trong suốt.
Thu Thảo (Theo IFL Science)