Trong một thế giới ngày càng ồn ào, nhiều người lựa chọn tai nghe chống ồn để thoát khỏi sự hỗn tạp âm thanh xung quanh.
Việc thường xuyên sử dụng tai nghe chống ồn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xử lý âm thanh của não bộ - Ảnh: FREEPIK
Tuy nhiên, một số chuyên gia thính học lo ngại rằng việc thường xuyên sử dụng tai nghe chống ồn nhằm ngăn chặn âm thanh từ môi trường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xử lý âm thanh của não bộ, theo TechSpot.
Tác hại từ tai nghe chống ồn
Vấn đề này liên quan đến tình trạng rối loạn xử lý thính giác (APD), khi não bộ gặp khó khăn trong việc diễn giải âm thanh và lời nói, ngay cả khi khả năng nghe về mặt sinh lý của người bệnh vẫn bình thường.
Những người mắc APD thường khó xác định phương hướng âm thanh hoặc khó tập trung vào một giọng nói cụ thể trong môi trường ồn ào. APD thường liên quan đến chấn thương não, nhiễm trùng tai hoặc các đặc điểm thần kinh khác biệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia thính học ở Anh trao đổi với BBC cho biết số ca mắc APD ở người trẻ đang gia tăng, dù không có các yếu tố nguy cơ thông thường.
Họ đưa ra giả thuyết rằng việc sử dụng tai nghe chống ồn quá mức có thể làm chậm quá trình phát triển thính giác bình thường.
Một trường hợp điển hình là Sophie, 25 tuổi, nhân viên hành chính, được chẩn đoán mắc APD vào năm ngoái sau khi gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói.
Chuyên gia thính học của cô cho rằng thói quen đeo tai nghe chống ồn đến năm giờ mỗi ngày có thể là một yếu tố góp phần. Khi không có phụ đề, Sophie cảm thấy các bài giảng và bài phát biểu chỉ là "những chuỗi âm thanh vô nghĩa".
Claire Benton, phó chủ tịch Học viện Thính học Anh Quốc, chia sẻ rằng trong những năm quan trọng của sự phát triển não bộ, việc tự cô lập trong môi trường không có tiếng ồn có thể cản trở quá trình phát triển của các kỹ năng nghe phức tạp.
Bà Benton giải thích các kỹ năng nghe cấp cao, phức tạp trong não bộ chỉ hoàn thiện vào cuối tuổi thiếu niên. Nói cách khác, nếu chỉ nghe nhạc hoặc podcast, não bộ có thể dần quên đi cách lọc bỏ những âm thanh nền không quan trọng.
Cần cân bằng và điều độ
Theo BBC, một số đơn vị thính học thuộc Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) ghi nhận số lượng thanh thiếu niên đến khám vì vấn đề thính giác ngày càng tăng.
Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy tai họ vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ não bộ họ đang gặp khó khăn trong việc xử lý âm thanh một cách hiệu quả.
Đáng tiếc, các dịch vụ đánh giá và điều trị APD trong hệ thống y tế công cộng ở Anh còn rất hạn chế. Hiện tại chỉ có một đơn vị thuộc NHS cung cấp đầy đủ quy trình chẩn đoán, với thời gian chờ lên đến chín tháng. Một phần nguyên nhân là do quá trình đánh giá APD đòi hỏi nhiều thời gian, có thể kéo dài hơn hai giờ kiểm tra, chưa kể các bài đánh giá nhận thức bổ sung.
Vậy có nên từ bỏ tai nghe chống ồn không? Có lẽ là không. Việc chống ồn vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa suy giảm thính lực do tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian dài.
Báo cáo chỉ đặc biệt nhấn mạnh rủi ro khi thanh thiếu niên sử dụng tai nghe chống ồn quá mức, vì đây là giai đoạn quan trọng để phát triển kỹ năng xử lý âm thanh cấp cao.
Với nhóm này, các chuyên gia thính học nhấn mạnh rằng cân bằng là yếu tố quan trọng. Việc để đôi tai tiếp xúc thường xuyên với môi trường âm thanh tự nhiên là điều thiết yếu để duy trì khả năng lọc âm hiệu quả.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-nghe-chong-on-co-the-lam-thay-doi-nao-bo-nguoi-tre-20250221120752243.htm
Bình luận (0)