Chứng ngủ rũ làm mất khả năng kiểm soát cơn buồn ngủ, khó giữ được tỉnh táo vào ban ngày, ảnh hưởng đến người lớn và cả trẻ em.
Chứng ngủ rũ là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến cách não kiểm soát chu kỳ ngủ – thức. Triệu chứng thường gặp như buồn ngủ ban ngày quá nức, yếu cơ đột ngột, tê liệt khi ngủ hoặc thức dậy, ngủ mê man. Dưới đây là một số lầm tưởng về tình trạng này.
Trẻ em không mắc bệnh
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, các triệu chứng ngủ rũ thường bắt đầu lúc 5-6 tuổi hoặc thanh thiếu niên. Tình trạng này khó phát hiện ở trẻ em vì một phần triệu chứng ngủ rũ ở trẻ khác với người trưởng thành. Thay vì ngủ gật như người lớn, trẻ thường kiệt sức, bồn chồn hoặc hiếu động bất thường.
Nếu trẻ ngủ đủ giấc nhưng vẫn kiệt sức, buồn ngủ quá mức ban ngày, phụ huynh nên cho con đi khám. Trẻ buồn ngủ quá mức cũng có thể do sử dụng thiết bị điện tử vào đêm khuya kéo dài, lo lắng và trầm cảm.
Cần ngủ nhiều hơn người khác
Chứng ngủ rũ không liên quan đến việc một người cần ngủ bao lâu. Nó ảnh hưởng đến cách não kiểm soát thời gian ngủ và thức, có nghĩa là tín hiệu đi ngủ hoặc thức dậy đến không đúng lúc. Thay đổi lối sống lành mạnh, kết hợp dùng thuốc có thể kiểm soát triệu chứng ngủ rũ.
Rối loạn vận động
Nhiều người nghĩ người mắc chứng ngủ rũ có thể đột nhiên bất tỉnh ngay. Tuy nhiên, người bệnh thường ngủ quên khi đang thực hiện hoạt động thụ động như ngồi ở bàn làm việc, xem một bộ phim nhàm chán.
Loạn trương lực cơ là một dạng bệnh lý rối loạn vận động, làm mất đi sự điều hòa phối hợp giữa não bộ và tủy sống, từ đó dẫn đến vận động không kiểm soát. Chứng mất trương lực đôi khi cũng là một triệu chứng của ngủ rũ nên dễ nhầm lẫn với rối loạn thần kinh này.
Không khó ngủ vào ban đêm
Ngủ rũ không chỉ gây buồn ngủ ban ngày mà còn cản trở giấc ngủ ngon vào ban đêm. Nhiều người bệnh này thường xuyên mất ngủ, khó chìm vào giấc ngủ và mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Không ảnh hưởng sức khỏe
Theo nghiên cứu năm 2014 của Đại học Minnesota và Đại học Arizona (Mỹ), người mắc chứng ngủ rũ thiếu một loại peptide điều chỉnh chế độ ăn và cơn đói, làm tăng nguy cơ béo phì. Tăng cân đột ngột có thể là triệu chứng của chứng ngủ rũ ở trẻ em và thường thấy ở giai đoạn đầu của bệnh. Peptide là các chất trung gian cân bằng nội môi trong chuyển hóa năng lượng và duy trì trạng thái ngủ – thức.
Các bệnh tâm thần như trầm cảm, lo âu thường gặp ở người hay ngủ rũ, làm giảm chất lượng cuộc sống. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, người bệnh này có nguy cơ cao tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ.
Chứng ngủ rũ là một tình trạng mạn tính nhưng có thể điều trị và kiểm soát. Theo Trung tâm Chứng ngủ rũ Stanford (Mỹ), phần lớn bệnh nhân lấy lại 80% chức năng trong cuộc sống nếu được điều trị đúng cách.
Không thể lái xe
Nhiều người cho rằng khi mắc chứng ngủ rủ, người bệnh tuyệt đối không được lái xe. Tuy nhiên, khi các triệu chứng được kiểm soát, người bệnh có thể lái xe, nên tránh những chuyến xe đường dài, đơn điệu. Trường hợp người bệnh luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày thì tốt nhất là tránh lái xe.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |