Chứng kiến đợt lạm phát mới đang bùng lên, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) vừa nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản hôm 15/9.
Giá thực phẩm và các hàng hóa cơ bản khác tại Nga đang leo thang. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, tháng 8, trái cây và rau quả có giá cao hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, thịt gà và trứng cũng lần lượt tăng 15% và 12%. Du lịch nước ngoài đắt hơn gần 40% sau khi đồng ruble mất giá mạnh trong năm nay.
Theo khảo sát tháng 8 của tổ chức bỏ phiếu FOM, các phụ huynh cho biết chi tiêu cho đồng phục và quần áo con cái đã tăng trung bình lên 15.000 ruble, tương đương khoảng 156 USD, từ mức 10.000 ruble vào năm ngoái.
Nhìn chung, lạm phát tháng trước đã đạt 5,2%, gấp đôi mức 2,3% hồi tháng 4. Để kiềm chế giá cả tăng cao, hôm 15/9, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) nâng lãi suất chủ chốt từ 12% lên 13%.
Mới tháng trước, CBR cũng đã nâng lãi suất mạnh đến 350 điểm cơ bản (3,5%), nhằm ngăn chặn đợt bán tháo ruble. Ngân hàng trung ương Nga cho biết khả năng tiếp tục nâng lãi do “rủi ro làm tăng lạm phát đáng kể đã hình thành” trong nền kinh tế.
Ruble trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao những tháng gần đây. Nga đã trải qua một đợt lạm phát cao năm ngoái, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. Nhưng giá cả sau đó tạm thời hạ nhiệt.
Lạm phát bùng lên lại là mối lo ngại lớn với chính phủ nước này, vốn đang tìm cách bảo vệ người dân trong nước khỏi tác động của các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Nga từng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất nhờ chi tiêu khổng lồ của chính phủ và khả năng tìm kiếm đối tác thương mại mới của Điện Kremlin.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nếu chính quyền không can thiệp sẽ dẫn đến lạm phát tăng không kiểm soát. “Thực tế là không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh trong điều kiện lạm phát cao. Không có quyết định tốt và rất tốt ở đây, mà là những quyết định khó khăn”, ông cho biết.
Còn nhiều thách thức đang ở phía trước. Theo cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương, kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp Nga trong tháng 9 đã ở mức cao nhất kể từ đợt tăng vọt do lệnh trừng phạt gây ra vào năm ngoái.
Sergey Shagaev, tài xế 49 tuổi ở thành phố Saransk, cách Mokva khoảng 640 km về phía Đông Nam, cho biết gia đình ông phải giảm ăn thịt và nghỉ mát. “Hiện chi cho thực phẩm và nhà ở là hết tiền. Những người tôi quen biết đều nghèo hơn”, ông nói. Trước đây, gia đình Sergey Shagaev thường đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ hai lần một năm. “Nhưng giờ chúng tôi đã quên mất Thổ Nhĩ Kỳ ở đâu”, ông nói vui.
Theo khảo sát hồi tháng 7 của công ty nghiên cứu Romir, cứ năm người Nga thì một người có kế hoạch giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Khoảng 28% đang tìm việc làm thêm.
Ở các thành phố lớn, nơi mức lương cao hơn, lạm phát được cảm nhận qua các hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn. Dmitriy, lập trình viên 25 tuổi sống tại St. Petersburg, nói rằng giá cả của quần áo hiệu, ôtô và đồ điện tử đã tăng mạnh do ruble mất giá. Trái lại, thu nhập của anh không thay đổi.
“Nếu ruble tiếp tục giảm giá, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến việc làm từ xa để nhận ngoại tệ hoặc chuyển đến châu Âu,” anh nói. Người tiêu dùng Nga cũng đang tìm kiếm hàng giảm giá từ balô đến sốt cà chua trên mạng xã hội Telegram. Cơ quan chống độc quyền liên bang gần đây đã yêu cầu các nhà bán lẻ điện tử giữ nguyên giá các sản phẩm cơ bản như tivi, máy giặt và máy pha cà phê.
Tác động từ việc CBR thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và giữ giá ruble có thể bị hạn chế. Đợt tăng lãi suất lớn vào tháng 8 diễn ra sau khi các chính trị gia Nga công khai chỉ trích chính sách của ngân hàng trung ương là quá lỏng lẻo, chỉ tạm thời thúc đẩy đồng tiền. Ruble vẫn giảm hơn 20% so với USD và euro trong năm nay. CBR trước đây ước tính rằng cứ mỗi lần ruble giảm 10%, lạm phát sẽ tăng thêm một điểm phần trăm, do hàng nhập khẩu tính bằng ruble trở nên đắt hơn.
Trước xung đột Ukraine, CBR tác động đến giá trị của ruble bằng cách sử dụng dự trữ để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Họ cũng khuyến khích người nước ngoài mua tài sản bằng ruble, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ, với lãi suất cao hơn. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm suy yếu những công cụ đó. Giá trị ruble giờ chủ yếu được hỗ trợ bởi doanh thu bán năng lượng của Nga.
Dietmar Hornung, Phó giám đốc điều hành tại Moody’s Investor Service, cho biết lãi suất cao hơn “có lẽ là đòn bẩy duy nhất mà họ (CBR) có vào lúc này”. “Nhưng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế của nền kinh tế Nga, là rất ít”, ông nói.
Lạm phát tăng càng làm tăng chênh lệch giàu nghèo. Nhà giàu Nga đã chuyển hàng tỷ USD vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài từ tháng 2/2022, và những khoản tiết kiệm đó có giá trị cao hơn khi ruble giảm giá trị.
“Lạm phát tăng chỉ gây thiệt hại cho những người có thu nhập thấp hơn”, Sofya Donets, nhà kinh tế Nga tại Renaissance Capital, nói. Bà dự đoán rằng nhu cầu yếu hơn và ít kích thích từ phía chính phủ sau cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đưa lạm phát ở Nga giảm xuống mức 4% vào nửa cuối 2024.
Phiên An (theo WSJ)