13/08/2023 13:22
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hội viên phụ nữ xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Chị Y Nghễ (sinh năm 1976) ở thôn Kơ Năng, xã Ngọc Bay là một trong những hộ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tư duy sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt. Chị Y Nghễ kể, trước đây, kinh tế cả gia đình chị chỉ trông vào 2ha mì và lương công nhân cao su của chồng chị, không đủ trang trải cuộc sống nên cái đói, cái nghèo đeo bám mãi. Hai vợ chồng chị đã trăn trở rất nhiều để tìm hướng đi vượt qua khó khăn.
Từ khi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của cán bộ hội và chị em hội viên, năm 2015, chị Nghễ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có được vốn, học hỏi kinh nghiệm từ những gương phát triển kinh tế giỏi, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư mua giống cao su về trồng trên phần đất 2ha của gia đình và nuôi 2 con bò sinh sản, 100 con gà để cải thiện thêm thu nhập.
|
Sau 5 năm miệt mài nuôi, trồng và chăm sóc, đàn bò của gia đình chị Nghễ đã tăng lên 10 con, vườn cao su đã cho thu hoạch. Mỗi năm, từ bán mủ cao su và bán bò giống, gia đình chị thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng. Chi tiêu hợp lý, đến năm 2022, vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống của gia đình hòa thuận hạnh phúc, con cái được học hành.
Hay như gia đình chị Y Đănh (sinh năm 1990) ở thôn Plei Klech, trước đây, tuy có đất nhưng không biết trồng cây gì, chỉ quanh quẩn với cây bắp và mì, hiệu quả kinh tế thấp. Tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, dự các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt, được các chị em động viên, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và được Hội LHPN xã tín chấp vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Y Đănh bàn với gia đình trồng 2ha cao su, 1,6ha cây ăn trái và các loại cây khác như mì, bắp, đậu.
|
Đến nay, kinh tế gia đình chị Y Đănh đã có nguồn thu ổn định 200 triệu đồng/năm từ bán mủ cao su, mì và các loại hoa màu. Chị Y Đănh chia sẻ: Nhờ tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, được các chị em hướng dẫn, chỉ bảo, tôi học hỏi và biết cách chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Hiện gia đình tôi nuôi thêm 2 con bò sinh sản để tận dụng cây bắp trên rẫy đem về làm thức ăn. So với trước đây chỉ trồng mì thì giờ kinh tế gia đình cũng đỡ hơn nhiều rồi.
Chị Y Nhơn – Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Bay đánh giá: Ngoài gia đình các chị Y Đănh, Y Nghễ, trên địa bàn xã có nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã mạnh dạn áp dụng các mô hình trồng trọt, sản xuất đạt hiệu quả tốt. Đời sống kinh tế được cải thiện, nhiều chị em đã tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do hội phụ nữ và địa phương phát động.
“Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chị em có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng tiếp thêm động lực giúp phụ nữ DTTS khó khăn vươn lên thoát nghèo”- chị Y Nhơn cho biết thêm.
Y Đô