Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, anh Phùng Đức Cảnh (32 tuổi) quyết định về quê Hải Phòng xin việc thay vì bám trụ ở thủ đô như nhiều bạn bè khác.
“Nhắm” được Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tuyển dụng vị trí kỹ thuật sản xuất, anh Cảnh gửi hồ sơ xin việc và trúng tuyển.
Công việc của anh là phụ trách dây chuyền sản xuất tivi, quản lý máy móc, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị để đảm bảo hoạt động trơn tru. Công việc có mức lương khởi điểm 7,5 triệu đồng/tháng.
Làm công việc đúng chuyên ngành đào tạo, anh luôn lăn xả, miệt mài tìm tòi, học hỏi những điều mới mẻ.
“Thời gian đầu, khi các chuyên gia đến nhà máy lắp dây chuyền, tôi đã tích cực theo chân để học hỏi, học lại từ những thứ nhỏ nhất như cách vặn ốc vít. Mọi thứ được tích lũy dần, đến nay, chúng tôi có thể điều khiển robot, xa hơn là chế tạo robot giúp cải thiện năng suất lao động”, anh Cảnh chia sẻ.
Trước đây, nhà máy chỉ có 5-6 dây chuyền sản xuất, đến nay đã phát triển lên 80 dây chuyền. Quá trình tự động hóa tại nhà máy diễn ra vô cùng mạnh mẽ. 2.000 cánh tay robot phục vụ sản xuất luôn hiện hữu trong công ty.
Phụ trách mảng cải tiến, sáng tạo nên anh luôn mong muốn có những đóng góp giúp tăng năng suất, sản lượng đầu ra. Tất cả những sáng kiến của anh cùng cộng sự trong thời gian qua đều bắt nguồn từ những gian khổ mà công nhân đang gặp phải.
Nhận thấy công nhân lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh rất vất vả, anh Cảnh đã “lao tâm khổ tứ” nghiên cứu, thiết kế chiếc máy có thể làm thay thế con người ở vị trí này.
Không ít lần thử nghiệm thất bại, anh vẫn giữ lòng kiên trì và tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa cho ra đời máy cọ rửa toilet tự động.
Làm việc tại đơn vị sản xuất thiết bị dân dụng như máy giặt, tivi, tủ lạnh… hay màn hình giải trí của nhiều xe “sang”, anh Cảnh nhận thấy nhiều công nhân đang phải làm những công việc khá cực nhọc, vất vả. Muốn giảm bớt những áp lực đó, anh Cảnh cùng cộng sự đã có những nghiên cứu, cải tiến công nghệ hiệu quả hơn.
Anh Cảnh chia sẻ, quan sát thấy công ty phải cắt cử 2 công nhân làm việc dán tem màn hình giải trí trên ô tô. Đây là công việc đòi hỏi nhân lực phải tỉ mỉ và có sự tập trung cao độ nếu không sẽ việc dán dễ lệch khung rất lớn. Tính ra, mỗi ngày, các công nhân phải dán tem truy xuất nguồn gốc trên hàng nghìn màn hình, rất vất vả.
Năm 2020, anh cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu một chiếc máy có thể đảm nhiệm phần việc này thay con người. Ngày đêm miệt mài nghiên cứu, cùng những đóng góp, phản biện để chỉnh sửa hoàn thiện nhất của nhóm, một robot dán tem tự động ra đời.
Để cỗ máy có thể hoạt động hiệu quả, chính xác tuyệt đối trong dán tem truy xuất nguồn gốc, nhóm của anh Cảnh đã trải qua nhiều lần thất bại, phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện thiết bị trong 3 tháng.
“Máy dán tem dùng cánh tay robot có chi phí thiết kế khoảng 300-400 triệu đồng. Nhưng cỗ máy nào cũng vậy, không thể lắp ráp rồi vận hành được ngay mà phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần”, kỹ sư 9x chia sẻ.
Cánh tay robot dán tem đến giờ đã thay thế được phần việc của 3 công nhân luôn tay, luôn chân làm cả ngày. Năng suất của máy móc cao gấp đôi con người.
Thông thường, công nhân sẽ dán được 300 sản phẩm/giờ, thì nhờ thiết bị này, năng suất tăng lên 600 sản phẩm/giờ. Hiện cánh tay robot được áp dụng cho 4 chuyền sản xuất.
Thiết bị này có thể dán vừa đúng vừa nhanh, khớp thông tin để truy xuất bảo hành sau này. Từ đó, đảm bảo yêu cầu của đối tác trước khi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Hiện robot đã áp dụng cho dây chuyền sản xuất màn hình xe Mercedes, ô tô của Toyota.
Sau thành công của cánh tay robot dán tem tự động, nhóm của anh Cảnh cũng nghiên cứu thiết kế chế tạo máy dán băng dính cửa trên dây chuyền sản xuất máy giặt lồng ngang.
Những máy kiểm tra cảm ứng tự động cho dây chuyền lắp ráp màn hình ô tô, dán tem tự động, máy dán băng dính… này đã làm lợi cho công ty hơn 10 tỷ đồng.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ, tự động hóa diễn ra khá mạnh mẽ tại doanh nghiệp. Trao đổi về băn khoăn, máy móc, robot liệu có “cướp” đi việc làm của người lao động, anh Cảnh quả quyết, công nhân không bị mất việc, mà được công ty sắp xếp sang những vị trí khác giảm thiểu độ vất vả, cực nhọc.
Anh cho biết, hiện quy mô công ty ngày càng mở rộng, chủ sử dụng còn có nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động nữa.
“Robot cũng giống như con người cần “tắm rửa”, chúng cần lau chùi, bảo dưỡng và cần người vận hành. Robot không thể thay thế được hoàn toàn công việc của con người”, anh Cảnh khẳng định.
Nhận định “cơ hội hiện chia đều cho mọi người”, nam kỹ sư khuyến cáo, mỗi người lao động cần nâng cao tay nghề, kỹ năng để có năng suất cao hơn, làm việc hiệu quả hơn.