(ĐN) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 2-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn |
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận sôi nổi về các nội dung này.
* Cần làm rõ chuẩn thăng hàm cấp tướng
Tại phiên thảo luận sáng 2-6 về dự thảo Luật Công an nhân dân, các đại biểu tán thành với việc dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 9 khoản, thuộc 5/46 điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, tập trung vào các chính sách như: hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công nhân công an; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân…
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, chính sách xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sỹ quan Công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự là cần thiết, ý nghĩa. Trong thời điểm hiện tại, chính sách này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng hàm cấp tướng trước thời hạn với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 2-6. Ảnh: KIM CHUNG |
Đồng tình với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định, các ĐBQH đề nghị quy định điều kiện cần và đủ, tiêu chuẩn cụ thể của việc lập thành tích đặc biệt xuất sắc; làm rõ trường hợp không đủ 3 năm công tác là bao nhiêu năm và phải có thời gian tối thiểu.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc thăng cấp bậc hàm cấp tướng phải được đánh giá khách quan, toàn diện các mặt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, hiệu quả công tác, những cống hiến và thành tích xuất sắc…
Do đó, đại biểu cho rằng, không cần thiết phải bổ sung quy định thời gian tối thiểu trong trường hợp Chủ tịch nước quyết định thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng khi sĩ quan không còn đủ 3 năm công tác; đồng thời đề nghị bổ sung quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để đề xuất xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với cấp tướng, đại tá trở xuống ngay trong luật.
* Tạo bước đột phá về chuyển đổi số, khắc phục những bất cập của luật hiện hành
Chiều 2-6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng, việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo luật là Luật Căn cước.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ngày 2-6. Ảnh: KIM CHUNG |
Ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Đồng thời, nhất trí với việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
Tiếp theo đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các đại biểu đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động, bổ sung số liệu phản ánh người dân có trình độ thấp, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người già chưa được tiếp cận công nghệ thông tin, đánh giá tác động về công tác bảo đảm an ninh, trật tự khi mở rộng diện cấp thị thực điện tử và tăng thời gian tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh.
Đề nghị rà soát các thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi thống nhất, kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và bổ sung quy định thông tin khác do Chính phủ quyết định cho linh hoạt.
Nhiều ý kiến nhất trí với thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực là 45 ngày; có ý kiến đề nghị làm rõ hơn căn cứ quy định 45 ngày.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị tăng lên 60 ngày hoặc 90 ngày để thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, cấp tạm trú có giá trị nhiều lần để tạo điều kiện cho người nước ngoài.
Thanh Hải (tổng hợp)
.