Khó thở có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và ở nhiều đối tượng khác nhau, với mỗi trường hợp cần nắm rõ triệu chứng nào cần thăm khám kịp thời.
Khó thở là tình trạng phổi không hít đủ không khí khiến một người không thể thở hoặc cảm thấy hơi thở yếu hơn bình thường. Ở mỗi người, cảm giác khó thở có thể khác nhau. Chẳng hạn có người nhận thấy như bị nghẹt thở trong khi một số khác lại cảm thấy không thể hít thở sâu. Khó thở gây khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng.
Phụ nữ mang thai
Chứng khó thở có thể xảy ra ở cả giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Trong những tháng đầu mang thai, nồng độ progesterone tăng khiến thai phụ thở nhiều hơn bình thường. Tốc độ hô hấp tăng lên có thể dẫn đến cảm giác khó thở. Ngoài ra, sự phát triển của thai nhi cũng có thể làm giảm khả năng mở rộng toàn bộ phổi và gây ra cảm giác khó thở.
Phụ nữ mang thai bị khó thở cần đi khám sớm nếu có các triệu chứng đi kèm như tim đập nhanh, chóng mặt, đau ngực, viền môi chuyển màu xanh, ho dai dẳng, ho ra máu, sốt hoặc ớn lạnh.
Trẻ em
Khó thở ở trẻ em có thể là do tập thể dục nhưng đôi khi cũng là triệu chứng của bệnh hen suyễn, bệnh phổi hoặc bệnh tim. Trẻ khó thở cần đi khám bác sĩ trong trường hợp: thở khò khè, không ngủ được vì khó thở, thở không ra hơi khi nghỉ ngơi…
Người lớn tuổi
Tuổi tác không phải là nguyên nhân gây ra khó thở nhưng người lớn tuổi có nguy cơ mắc một số bệnh lý có thể dẫn đến khó thở như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…
Người lớn tuổi nên đi gặp bác sĩ nếu cảm thấy khó thở và đau ngực, khó chịu, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở về đêm, phù nề hoặc ho ra máu…
Những người mắc Covid-19
Khó thở là biểu hiện thường gặp ở những người mắc Covid-19. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do viêm phổi gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khó thở cũng gặp nhiều ở những người thường xuyên phải nhập viện hơn là những người ít phải nằm viện.
Người bệnh Covid-19 cần thăm khám nếu gặp tình trạng khó thở đi kèm với: sốt, ho, mệt mỏi, mất mùi và vị giác, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân…
Các trường hợp khác
Một số tác nhân phổ biến khác gây khó thở có thể bao gồm:
Tập thể dục: Sự gắng sức trong lúc tập thể dục thường làm tăng nhịp thở và có thể khiến bạn thở gấp.
Tâm trạng, cảm xúc: Khi một người có cảm xúc sợ hãi hoặc hoảng loạn cũng ảnh hưởng đến hô hấp, dẫn đến cảm giác khó thở.
Thay đổi độ cao: Áp suất không khí giảm khi độ cao tăng. Áp suất này giảm khiến thể tích không khí hít vào chứa ít oxy hơn và cơ thể phải làm việc nhiều hơn để thở. Thống kê cho thấy, độ cao từ khoảng 1.524 m trở lên có thể dẫn đến những thay đổi về nhịp thở bao gồm cả khó thở.
Các chất gây ô nhiễm môi trường: Hít thở một số loại khói, chất ô nhiễm và hóa chất có thể gây kích ứng phổi. Sự kích thích này khiến đường thở bị hẹp và phát triển chứng viêm, dẫn đến khó thở.
Với các trường hợp trên, bạn cần đi khám nếu đột ngột cảm thấy khó thở hoặc khó chịu, đau, tức ngực. Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm đi kèm khác có thể bao gồm: khó thở khi nghỉ ngơi, khó thở ảnh hưởng đến giấc ngủ, sốt, thở khò khè, khó thở sau các hoạt động thể chất nhẹ hoặc ngay cả lúc nghỉ ngơi,…
Bảo Bảo (Theo Medical New Today, Healthline)