Dịp Tết, sự thay đổi trong nếp sinh hoạt và thời tiết khiến trẻ nhỏ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Duy trì thói quen lành mạnh và chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ tận hưởng kỳ nghỉ an toàn, khỏe mạnh.
Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh mùa Tết
Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày, trong khi thời tiết lạnh và các hoạt động lễ hội diễn ra khắp nơi. Theo ThS.BS Lê Văn Dũng - phó trưởng khoa khám đa khoa - cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, đây là thời điểm trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp và tiêu hóa.
"Các bệnh hô hấp phổ biến như cảm, cúm, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, trong những chuyến du xuân, nhiều ba mẹ thường thoải mái cho con ăn các thức ăn bán rong, thức ăn đường phố ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị viêm ruột và ngộ độc thực phẩm", bác sĩ Dũng nói.
Chung quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trẻ em có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh khi thay đổi nếp sinh hoạt và thời tiết. Dịp Tết, khi trẻ tiếp xúc với nhiều người và môi trường mới, cùng với thói quen ăn uống không đều đặn, càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Một số bệnh hô hấp hay gặp ở trẻ là bệnh sởi, cúm, các loại viêm đường hô hấp do vi rút hoặc vi khuẩn.... Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, do trẻ được ăn uống quá nhiều loại thực phẩm hoặc thực phẩm không được bảo đảm vệ sinh.
Phòng bệnh và xử trí đúng
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ThS.BS Lê Văn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Trẻ cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế và giữ cơ thể sạch sẽ. Những hành động nhỏ này sẽ giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi rút từ môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đúng bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn đường phố hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc.
"Không chỉ trong bữa ăn, mà cả môi trường sống cũng cần được giữ sạch và an toàn. Trong dịp Tết, khi trẻ thường xuyên đi chơi xa hoặc về quê, phụ huynh cần đảm bảo trẻ được giữ ấm cơ thể.
Cần sử dụng các thiết bị sưởi đúng cách và tránh tuyệt đối việc dùng than để sưởi trong phòng kín. Đồng thời cha mẹ cũng nên chú ý bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tai nạn thường gặp như pháo nổ, tai nạn giao thông hay bị chó mèo cắn", bác sĩ Lê Văn Dũng khuyến cáo.
Ngoài ra, việc tiêm phòng đầy đủ là yếu tố không thể thiếu để bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần đảm bảo trẻ được tiêm đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các mũi vắc xin sởi và rotavirus trong bối cảnh các bệnh này đang gia tăng trong cộng đồng.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh nặng hoặc không cải thiện khi tự điều trị tại nhà, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Các bệnh viện vẫn duy trì chế độ trực cấp cứu 24/24 giờ trong suốt kỳ nghỉ Tết để kịp thời xử lý các ca bệnh khẩn cấp.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng nên trang bị một tủ thuốc cơ bản trong nhà, bao gồm thuốc hạ sốt, thuốc chống dị ứng, các vật dụng sơ cứu tai nạn, bỏng. Việc sẵn sàng phòng ngừa và xử lý kịp thời sẽ giúp bảo vệ trẻ an toàn trong suốt kỳ nghỉ Tết.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo thêm phụ huynh cần chú ý vệ sinh mũi họng cho trẻ hằng ngày.
"Cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, chọn thức ăn được chế biến an toàn, tránh thức ăn ô nhiễm, ăn chín, uống sôi. Phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, không cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo, vì đường tiêu hóa của trẻ không thể hấp thu được và có thể gây ra các bệnh lý về tiêu hóa.
Khi trẻ có những triệu chứng như ho, sốt, tiêu chảy, trước hết cha mẹ cần theo dõi cơn sốt, đồng thời bù dịch bằng oresol (theo đúng tỉ lệ pha). Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Không chủ quan với trẻ có bệnh nền, dị ứng
Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, thời tiết và môi trường thay đổi dịp Tết khiến trẻ dễ phơi nhiễm các tác nhân gây dị ứng. Với trẻ từng có tiền sử dị ứng thức ăn hoặc chất lạ, cha mẹ cần tuyệt đối tránh để trẻ tiếp xúc với những yếu tố này.
Đừng vì vài ngày Tết mà chủ quan, cho trẻ ăn thử "một chút cho vui" vì điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đối với trẻ có tiền sử hen, phụ huynh cần chuẩn bị sẵn bình xịt khí dung để xử lý kịp thời khi trẻ lên cơn hen cấp. Dịp Tết, nhiều quầy thuốc đóng cửa, nên việc dự phòng thuốc và các vật dụng y tế là vô cùng cần thiết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tet-dai-troi-lanh-chu-y-gi-de-tre-nho-tranh-benh-20250123172900342.htm
Bình luận (0)