Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, vào ngày 26/01/2024, biệt thự Pháp cổ tọa lạc tại số 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài, Hà Nội, chính thức mở cửa đón khách tham quan sau hai năm được trùng tu tỉ mỉ và công phu. Đây là một trong những dự án trọng điểm nằm trong Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của Thành ủy Hà Nội, được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật từ vùng Ile-de-France, Pháp.
Ngôi biệt thự hai tầng, với diện tích xây dựng 174 m², được bao quanh bởi khuôn viên rộng lớn gần 1.000 m², là một trong số ít những công trình còn giữ được nét nguyên bản với sân vườn rộng rãi giữa lòng Hà Nội. Nằm ở vị trí đắc địa giữa phố Trần Hưng Đạo và Hàng Bài, biệt thự này không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt – Pháp trong thời kỳ thuộc địa. Công trình này cũng được xem như một hình mẫu tiên phong trong việc trùng tu và bảo tồn các biệt thự cổ tại Hà Nội, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của thành phố trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị.
Quá trình trùng tu ngôi biệt thự gặp không ít thách thức, đặc biệt là sự thiếu hụt tài liệu lưu trữ về kiến trúc nguyên bản của ngôi biệt thự. Các bản vẽ gốc và hồ sơ kiến trúc đã thất lạc theo thời gian, chỉ còn lại duy nhất một bức ảnh của gia đình chủ nhà đứng trước biệt thự. Trước khó khăn đó, các chuyên gia từ vùng Ile-de-France và Hà Nội đã phải tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ, tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau để phục hồi công trình theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản. Mục tiêu hàng đầu là giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của ngôi biệt thự, đồng thời tái hiện một cách chân thực kiến trúc Pháp cổ đặc trưng tại Đông Dương.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong quá trình trùng tu là việc sử dụng các kỹ thuật và vật liệu xây dựng nguyên bản. Trần phòng khách tầng một, nơi từng bị bong tróc nghiêm trọng, đã được gia cố bằng các tấm gỗ chịu lực và để lộ ra để người xem có thể chiêm ngưỡng cấu trúc ban đầu của ngôi nhà. Tương tự, trần tầng hai cũng được giữ nguyên trạng, cho phép khách tham quan quan sát trực tiếp các tấm xà gồ, mái nhà, và các cửa sổ tròn thông gió. Các mảnh gạch lát sàn bị vỡ cũng được thu thập và ghép lại thay vì thay thế hoàn toàn, giữ nguyên sự chân thực và giá trị lịch sử của công trình.
Không chỉ dừng lại ở đó, các chuyên gia còn sử dụng các phương pháp thi công truyền thống như trát tường bằng vôi sống trộn với rơm thay vì sử dụng xi măng hay thạch cao, và dùng sơn màu tự nhiên để bảo vệ kết cấu gỗ và sắt của ngôi nhà. Những kỹ thuật xây dựng này từng rất phổ biến tại Đông Dương và một số quốc gia châu Á từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, mang đến một vẻ đẹp cổ kính và bền vững theo thời gian.
Bên cạnh việc tham quan ngôi biệt thự đã được trùng tu, khách tham quan còn có cơ hội tìm hiểu về quá trình phục hồi di sản qua một cuộc trưng bày tại chỗ. Cuộc trưng bày giới thiệu các bản đồ, bản vẽ kiến trúc, cùng những vật liệu và kỹ thuật xây dựng được phát hiện trong quá trình trùng tu. Những bức ảnh chụp trước và trong quá trình trùng tu do nhiếp ảnh gia François Carlet Soulages thực hiện cũng được trưng bày, giúp công chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về sự biến đổi của công trình qua từng giai đoạn.
Triển lãm lần này không chỉ nhằm giới thiệu kết quả của dự án trùng tu mà còn kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Đây là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn những công trình kiến trúc kiểu Pháp tại Hà Nội, như một phần không thể thiếu trong bức tranh di sản văn hóa của thành phố.
Sau khi được trùng tu, ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài sẽ trở thành Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp, một không gian nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện, mang đến cho người tham quan những trải nghiệm thú vị. Sân trước biệt thự được cải tạo bằng cách rải sỏi, vừa tạo sự thoải mái cho khách tham quan và còn phù hợp để tổ chức các sự kiện văn hóa đông người. Phòng bếp cũ đã được biến thành một không gian mở với kính trong suốt, nơi khách có thể vừa thưởng thức cà phê, vừa ngắm nhìn toàn bộ ngôi nhà và khu vườn xanh mát xung quanh.
Dự án trùng tu biệt thự mang lại sức sống mới cho một công trình cổ và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản kiến trúc. Điều này khẳng định sự cần thiết của việc gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, để những di sản kiến trúc như thế này luôn là niềm tự hào của Hà Nội, của Việt Nam.
Hoàng Anh