Là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số của ngành Y tế, từ năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành thí điểm bệnh án điện tử tại một số khoa, phòng và nhân rộng trong toàn bệnh viện từ năm 2023.
Hiện nay, bệnh viện đã sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy.
Hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được kết nối liên hoàn, đồng bộ trên tất cả các bước, từ tiếp nhận, quản lý người bệnh, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa đến quản lý dược, tài chính kế toán... Qua đó giúp người dân không cần lưu trữ, mang theo nhiều hồ sơ giấy tờ khi đi KCB, rút ngắn thời gian trong tất cả các khâu, quy trình KCB.
Đối với đội ngũ cán bộ y tế, bệnh án điện tử giúp tiết kiệm thời gian, công sức thực hiện các hồ sơ, thủ tục hành chính, hạn chế sai sót thông tin trong hồ sơ bệnh án, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải cách quy trình KCB, giảm thiểu sử dụng giấy tờ.
Tất cả thông tin của bệnh nhân trong quá trình KCB hay dữ liệu hình ảnh, kết quả xét nghiệm đều được lưu trữ trên hệ thống nên các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất để đưa ra hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
Ghi nhận tại khu vực chụp X-quang của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ ứng dụng công nghệ, bệnh nhân không mất nhiều thời gian chờ đợi để lấy kết quả như trước.
Ông Nguyễn Văn Hải, người dân đến khám bệnh cho biết: “Trước kia, ngoài thời gian chờ chụp, chúng tôi còn phải chờ nhận kết quả nên mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Hiện nay, hình ảnh đã được lưu tự động vào mã QR nên bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem phim chụp X-quang của bệnh nhân và đọc kết quả. Khi đi tái khám tôi cũng chỉ cần mang theo mã QR, không lo phải lưu trữ, mang theo nhiều hồ sơ, giấy tờ như trước”.
Tương tự, tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, triển khai bệnh án điện tử đã giúp các quy trình KCB được số hóa toàn bộ, mọi thông tin sức khỏe, tiền sử của người bệnh được lưu trữ trên hệ thống, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hương, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: “Tôi lựa chọn Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để thăm khám trong thời gian mang thai và cũng đã đăng ký sinh con tại đây bởi bệnh viện là địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, tin cậy trong lĩnh vực sản khoa và nhi khoa. Hơn nữa, mỗi lần tới khám, tôi không cần phải lưu hình ảnh siêu âm, kết quả xét nghiệm vì toàn bộ hồ sơ bệnh án đã được lưu trữ trên hệ thống phần mềm của bệnh viện”.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn theo hướng thông minh, hiện đại.
Hiện, 100% cơ sở y tế của tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận tiện cho người dân đi KCB; 100% cơ sở y tế đã triển khai KCB bằng căn cước công dân gắn chíp và thanh toán chi phí dịch vụ y tế điện tử; 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện và thực hiện kết nối dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB bảo hiểm y tế.
Hệ thống cơ sở y tế trong tỉnh luôn kết nối, liên thông, bảo đảm kịp thời hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến tỉnh đến các trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã. Bên cạnh đó, các đơn vị đã kết nối trực tuyến trong công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó.
Cùng với những nỗ lực triển khai bệnh án điện tử, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là một trong những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành Y tế. Hệ thống không chỉ quản lý sức khỏe cá nhân mà còn tích hợp dữ liệu KCB với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân, giúp cung cấp cho bác sĩ thông tin tổng thể về lịch sử KCB của từng bệnh nhân, hỗ trợ tối ưu trong chẩn đoán và điều trị.
Toàn bộ dữ liệu KCB tại các đơn vị y tế được liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất. Đến nay, đã có hơn 96% dân số - 1,2 triệu người có hồ sơ sức khỏe cá nhân được tạo lập.
Phát huy những kết quả đạt được, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tỉnh hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Lê Mơ
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126511/Vi-loi-ich-nguoi-benh
Bình luận (0)