Đang gây sốt trên mạng xã hội
Những ngày này, xe xôi của vợ chồng bà Cao Kim Thoa (62 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) nằm ở đường Tùng Thiện Vương (Q.8, gần chân cầu Chà Và) bỗng gây sốt trên mạng xã hội, được nhiều người chia sẻ địa chỉ.
[CLIP]: Xe xôi 40 năm gói bằng lá chuối ở TP.HCM.
Đó là lý do mà khi tôi tìm tới xe xôi này lúc 8 giờ kém, đã thấy hàng dài người chờ đợi, chõ xôi cũng đã sắp hết dù bình thường tôi biết quán xôi này bán từ 5 giờ tới 10 giờ kém. “Hết xôi rồi con ơi, chiều ghé lại nhe!”, nhiều khách tới hỏi mua xôi ngậm ngùi ra về khi nghe câu nói của ông bà chủ, đành đến mua vào dịp khác.
Trong số những khách đó có anh Đặng Tuấn Duy (28 tuổi, ngụ Q.8). Vị khách cho biết bình thường anh sẽ đi làm lúc 7 giờ 30 phút và tiện đường ghé đây mua xôi. Hầu như tuần nào anh cũng mua ăn sáng hoặc chiều 5 – 6 lần vì xôi ngon, nhưng 3 ngày liền anh tới mà không mua được.
“Tôi ăn ở đây cũng hơn 6 năm rồi đó, từ hồi cưới vợ rồi chuyển nhà qua bên này. Bình thường xôi của cô chú đông khách lắm, có chờ đợi lâu một chút nhưng vẫn mua được. Mấy ngày nay không hiểu sao đông quá đông, đi trễ một chút là không có ăn luôn. Chạy dọc đường coi có chỗ nào bán đồ ăn sáng thì mua vậy”, anh cho biết.
Là một trong những vị khách cuối cùng mua được xôi, chị Hạnh (ngụ Q.5) cho biết chị vô tình biết tới quán xôi này trên mạng khi nó đang “hot rần rần” mấy ngày qua. Dù chị đã đã tranh thủ đi từ sớm nhưng tới nơi thì xôi sắp hết.
“Suýt nữa là không mua được xôi. Thấy người ta giới thiệu quán chỉ gói bằng lá chuối, xôi được bà chủ cho ngậm nước dừa nên ăn vị rất ngon. Tới thấy đúng thiệt! Nhìn thôi là thấy ngon rồi”, chị nhận xét.
Phần xôi đơn giản nhưng hấp dẫn.
Vừa tất bật chuẩn bị những phần xôi cho khách, bà Thoa vừa tâm sự không phải mới đây mà quán xôi của bà trước đó cũng đã có một lượng khách ruột ổn định, lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc, nhất là khi học sinh chưa nghỉ hè.
Phần xôi bà Thoa bán nhìn đơn giản, khi được ăn kèm cùng tôm khô, cải xá bấu xào, lạp xưởng, trứng cút, chà bông, đậu phộng nhưng kết hợp cùng nhau tạo nên hương vị tuổi thơ khác với những chỗ khác.
Thêm vào đó, hạt xôi ở đây được bà chủ bật mí là nấu cùng với nước dừa để “hạt nếp ngậm nước dừa” nên tơi bóng, vị có hơi thiên ngọt một chút. Bên cạnh đó quán còn có xôi lá dứa, được nấu hoàn toàn bằng lá dứa tự nhiên ăn kèm với đậu xanh như xôi vò.
“Sở dĩ tôi gói bằng lá chuối từ xưa giờ là vì tôi thấy gói vậy nó đẹp hơn, hạt xôi nó giữ được độ nóng lâu hơn chứ để vào hộp nhựa xôi nó mau nguội, cứng, khách không ưng mà mình cũng không ưng nữa. Cỡ nào cỡ tôi cũng phải gói lá chuối vì nó làm nên vị ngon của xôi khi tới tay khách”, bà Thoa bật mí lý do.
Sao có tên gọi độc đáo vậy?
Tôi thắc mắc vì sao nhiều khách gọi đây là “xôi cứu hỏa”, thì bà chủ cười nói vì nó nằm gần trạm cứu hỏa ở Q.8 để dễ nhận biết tới chỗ mua xôi, bà cũng thấy hay hay. Nhưng với bà, tên gọi thế nào cũng không mấy quan trọng, quan trọng là xôi phải ngon và khách phải thích.
Theo tôi quan sát, vợ chồng bà Thoa khá “chiều” khách. Dù khách yêu cầu ra sao, thích ăn gì và không ăn được gì bà chủ đều nhiệt tình đáp ứng. Bà nói mình mong muốn khách có những trải nghiệm tốt nhất, hài lòng nhất khi ghé ủng hộ quán.
Tuổi 20, bà chủ lấy chồng. 21 tuổi, vì muốn có nghề để sinh nhai cũng như thích thích nghề bán xôi thì “thấy xôi nó đẹp”, bà chủ quyết định mở quán. Nói là quán, nhưng thời đó xôi của bà Thoa chỉ vỏn vẹn cái bàn, ngày bán chừng 2 kg nếp.
Dù đã có nhiều năm phụ việc quán ăn, nhưng việc nấu xôi với bà Thoa những ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi bà tự nhận mình nấu chưa ngon, khách chưa thích. Nhiều lần, bà ngậm ngùi đổ bỏ xôi vì bán ế, ăn cũng không hết.
“Nghề dạy nghề, mình nấu ngon hơn, tìm được cho mình những bí quyết nấu xôi riêng. Khách từ đó cũng ghé ủng hộ rồi gắn bó với tôi, có người mấy chục năm qua. Chồng tôi sau khi nghỉ làm tự do cũng qua phụ bán mười mấy năm nay”, nhìn ông Ngô Văn Hùng (63 tuổi, chồng bà Thoa) đang tất bật dọn dẹp, bà chủ bày tỏ.
Bà Thoa nói rằng xe xôi này đã thay 3 cái, cứ bán chục năm là bị hư phải thay mới. Nhưng nhờ có những “thế hệ” xe xôi này mà bà nuôi cả gia đình của mình, nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Hiện bà đang “huấn luyện”, truyền nghề cho cô con gái út để sau này kế thừa quán ăn của mẹ khi bà không còn sức để bán.