Một tác phẩm của họa sư Lê Bá Đảng |
Nhiều dịp được gặp gỡ danh họa, tôi vẫn nhớ triển lãm lần đầu tiên của ông tại quê nhà - làng Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vào mùa xuân năm 1992. Giữa tháng 2/1992, tôi và nhiều họa sĩ ở TP. Hồ Chí Minh nhận được thư mời dự triển lãm đặc biệt đó. Không bỏ lỡ dịp hiếm có, lại trong những ngày xuân đẹp trời, chúng tôi tổ chức một chuyến đi bằng đường bộ từ Sài Gòn ra Huế, trực chỉ Quảng Trị, tìm đến Bích La Đông.
Buổi sáng trước giờ khai mạc “Lễ hội đồng quê” (tạm dịch tên gọi tiếng Pháp “Champêtre” của triển lãm), họa sĩ Lê Bá Đảng gặp gỡ thân mật khách đến từ phương xa để nói đôi điều về sự kiện nghệ thuật này. Theo Lê Bá Đảng, tác phẩm của ông không đơn thuần là “tranh” mà nó đã “phá bỏ cái đường biên để có thể hòa nhập vào một không gian rộng lớn hơn, trở nên gắn bó với cảnh sắc và con người chung quanh”. Ông nói: “Tôi dùng cọ vẽ tranh trên canvas, nhưng kết hợp sơn, bìa cứng bồi, bột đá vôi và trải rộng tác phẩm trên vải bạt dày khổ lớn… Tác phẩm của tôi thường là sự hôn phối giữa nhiều loại hình nghệ thuật: Hội họa, điêu khắc cũng như sắp đặt và kiến trúc”.
Lê bá Đảng được vinh danhBậc thầy của hai thế giới |
Minh chứng cho lời ông là gần 20 tác phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau, lần đầu tiên được trưng bày tại Việt Nam. Thay vì được treo trên các bức tường của một căn phòng thì được bày giữa thiên nhiên, trên một khoảng đất rộng vài trăm mét vuông, với hồ nước, cỏ cây…; trước khu thờ phụng của dòng họ Lê, và không xa đó là những thảm lúa xanh rờn cùa làng Bích La Đông. Chính vì vậy mà người thưởng ngoạn đã có những ấn tượng và cảm nhận bất ngờ, không tìm thấy ở triển lãm nào khác.
* * *
Những tác phẩm chạm khắc với chất liệu giấy tại triển lãm “Lễ hội đồng quê” xuất hiện nhiều năm trước tại các gallery, lần đầu tiên là tại gallery Circle ở Soho, New York và Chicago, hình thành một phong cách sáng tác đặc trưng của ông và được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật quốc tế gọi là “Không gian Lê Bá Đảng”. Năm 1978, khi ông nhận thiết kế trang phục và mỹ thuật cho vở opera “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, được trình diễn rất thành công tại Nhà hát Opera quốc gia Pháp ở Paris, ông còn được coi là nghệ sĩ đã kết hợp nhuần nhị văn hóa Đông - Tây. Và, trên bìa tạp chí Art Collecting số mùa đông 1889, ông được vinh danh là “bậc thầy của hai thế giới” (Master of Two Worlds).
Được coi là một trong những tác giả thành công nhất trong lĩnh vực đồ họa và tranh in các loại, “bậc thầy của hai thế giới” ngày càng hoàn thiện hơn kỹ thuật, điêu luyện hơn trong tạo hình, đồng thời tiếp tục khám phá những phương thức mới trong kỹ thuật đồ họa, như lời ông bày tỏ: “Tôi thích thử thách với cái mới, khám phá, phát triển nó… Tôi không thể cứ làm việc với cái đã có, điều đó thật khó khăn với tôi”.
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng trên đồi Thiên An |
Tháng 2/2015, Albert Scaglione - chủ nhân và là người sáng lập gallery Park West ở Southfield, Michigan - cho biết: “Từ triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1950, Lê Bá Đảng đã tìm thấy thành công qua những tác phẩm vẽ trên các đĩa gốm hàng trăm con mèo khác nhau, đến nay vẫn được ưa chuộng. Vào thập niên 1960, sau triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Cincinnati, ông trở thành một tác giả có uy tín với những tác phẩm sơn dầu khổ lớn theo khuynh hướng trừu tượng với sắc xanh rực rỡ đi cùng những mảng cam và đỏ lộng lẫy. Được các nhà sưu tập tìm mua tranh, ông nhanh chóng tự định hình thành một nghệ sĩ đích thực với sức sáng tạo vô tận”.
Thân quen với nhà danh họa trong hơn 30 năm, Albert Scaglione thán phục: “Dù đã hơn 90 tuổi, Lê Bá Đảng tiếp tục sáng tạo cho đến lúc qua đời”. Với nhà danh họa, nói như bà Myshu, người bạn đời của ông nay cũng đã quá cố: “Nghệ thuật là cái phao cứu sinh khi cuộc sống đang chìm dần”. Với loạt tranh in trên đá khắc nổi (embossed lithograph) vào năm 1981 có tên “La Comédie Humaine” (Tấn trò đời - lấy theo tựa một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Pháp Honoré de Balzac), Lê Bá Đảng cho biết: “Trong tác phẩm của mình, tôi thường dùng các đường tròn, một biểu tượng huyền ảo của cuộc sống, để khép kín các địa hình và cảnh quan. Đó là biểu tượng thể hiện thiên nhiên không biệt lập với con người. Con người đi tìm dưỡng chất trần gian và dưỡng chất tâm linh từ mọi nguồn”.
Những gì ông tạo tác, từ tranh, tượng đến các loại hình nghệ thuật khác được trưng bày tại Huế, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Bảo tàng Mỹ thuật TP. Đà Nẵng cũng nhận được nhiều tác phẩm của Lê Bá Đảng từ hiến tặng của ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê) tất cả đều nói lên căn tính không thể tách rời của con người với thiên nhiên, sâu xa hơn là với vũ trụ. Song, như nhà danh họa từng nói: “Tác phẩm của tôi thường lạ lùng nhưng giản dị; như thế hy vọng mọi người có thể cảm thấy hạnh phúc và thư giãn khi xem, và ưa thích nó”.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/nghe-thuat-la-chiec-phao-cuu-sinh-149938.html
コメント (0)