Nhiều lao động “cầm cự” với đồng lương ít ỏi
Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng số lao động nhiều nhất TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cắt giảm gần 6.000 người (tương đương 10% tổng số lao động của doanh nghiệp). Đây là lần cắt giảm nhân sự thứ 2 của đơn vị chỉ tính từ đầu năm đến nay.
Ở nhiều địa phương, cắt giảm lao động cũng là thực trạng của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày… Nguyên nhân là do đơn hàng sụt giảm mạnh.
Theo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, tình hình thiếu đơn hàng dự báo sẽ còn tiếp diễn nên số lượng người lao động bị cắt giảm công việc có thể chưa dừng lại tại đây.
Đối với người lao động, cắt giảm công việc đồng nghĩa với khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều người chỉ cố gắng “cầm cự” với đồng lương ít ỏi. Còn số bị ngừng việc thì phải tìm một công việc mới, có thể là xe ôm, phụ hồ…
Tháng 4 vừa qua, anh Cường bị cắt giảm lao động, còn vợ của anh thì cũng mới nhận thông báo sẽ nghỉ việc từ tháng 6. Mất việc làm ở tuổi 44, mấy tháng nay, anh Cường sáng đi phụ hồ, chiều đi giữ xe cho quán ăn.
“Trong PouYuen mình làm, tính ra tiền này tiền kia cũng được hơn 10 triệu. Mà giờ ra ngoài làm đâu có được vậy đâu, ra ngoài làm cỡ 4,5 triệu thôi đâu có đủ chi tiêu. Rồi con ăn học nữa”, anh Châu Văn Cường (Trà Vinh) cho biết.
Nhiều lao động bị giãn việc thậm chí là nghỉ việc bởi các doanh nghiệp thiếu đơn hàng (Ảnh minh hoạ)
Nếu như các năm trước, tháng 5 bắt đầu là cao điểm làm hàng mùa đông thì giờ các xưởng dệt may và da giày ở nhiều địa phương chỉ sản xuất cầm chừng. Như tại Công ty TNHH Araviet, sáng 7h30 vào ca, chiều 16h về, hơn 3 tháng qua, giờ vào ca và hết ca của công nhân tại xưởng may này như giờ hành chính.
Với chị Thuỷ lần đầu tiên trong 10 năm làm công nhân chị gặp phải cảnh thu nhập giảm nhiều đến như vậy.
“Đơn hàng ít đi khiến thu nhập của bọn em thấp hơn”, chị Nguyễn Thị Thuỷ, công nhân Công ty TNHH Araviet cho biết.
Thu nhập năm trước tại đây gần 10 triệu giờ chỉ từ 6-7 triệu/tháng dẫn tới một số công nhân nhảy việc. Giảm thu nhập đồng nghĩa là mất lao động. Doanh nghiệp cũng phải cố gồng gánh, kéo giãn việc, hàng tuần cố vài ngày tăng ca thêm 1 giờ để giữ lao động ở lại.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để duy trì tình trạng này nhưng không thể tăng thêm việc vì đơn hàng không có song vẫn phải giữ toàn bộ lao động hiện tại để chờ phục hồi”, ông Kim Jyung Tae, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Araviet cho biết.
Thất nghiệp đa phần là lao động giản đơn
Theo bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 cho đến tháng 3/2023, số liệu thống kê cho thấy đã có 560.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm đơn hàng. Trong đó có đến 55.000 lao động ra khỏi khu vực lao động (chấm dứt hợp đồng).
Bà Hà cho biết để hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng Tổng Liên đoàn Lao động đã có chính sách hỗ trợ dù không là đoàn viên công đoàn mà ở trong các doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn thì vẫn được hưởng mức hỗ trợ từ 700.000 – 3 triệu đồng/người.
Điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải gắn với cơ cấu lao động
Còn theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dựa vào số liệu tổng hợp hàng ngày về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho thấy đa phần đối tượng bị thất nghiệp là lao động giản đơn (chiếm 60-70%). Do vậy cơ cấu lao động đang có vấn đề, nếu người lao động có trình độ càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng thấp.
“Do vậy điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải gắn với cơ cấu lao động là vấn đề cần đặt ra”, ông Liễu nhấn mạnh.
Ông Liễu đánh giá việc cắt giảm lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp chiếm dụng nhiều lao động sẽ gây áp lực rất lớn cho các địa phương trong giải quyết việc làm, cũng như an sinh xã hội. Do đó cần phải có các chính sách triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và sản xuất kinh doanh.
Cần chính sách hỗ trợ dài hạn
Hỗ trợ cho người lao động khi bị cắt giảm việc làm, thì không đơn thuần là tìm việc làm mới cho họ. Tại TP Hồ Chí Minh bài học từ đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng như giai đoạn phục hồi hay đối mặt với sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế đã cho thấy, để chủ động và có được tác động liên hoàn, lâu dài thì không chỉ trông chờ vào những giải pháp tình thế.
“Tiền thuê nhà đang xử lý ở góc độ cục bộ, chưa thành một chính sách ở giai đoạn khó khăn của Thành phố. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để đề xuất chính sách hỗ trợ tiền nhà cho công nhân, đặc biệt là công nhân để ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Cơ sở để xây dựng chính sách chính là đưa giá nhà trọ, vốn chiếm từ 20-30% thu nhập của người lao động, trở thành một phần của chương tình bình ổn giá được TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công nhiều năm nay.
“Đây là một mong muốn rất lớn của tổ chức công đoàn Thành phố để làm sao chính sách đồng hành với đời sống và việc làm của người lao động chứ không phải là những hoạt động chăm lo có tính chất thời điểm hoặc là đột xuất”, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Ngay sau đại dịch COVID-19, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất gói hỗ trợ 100 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các chủ nhà trọ, những người hiện đang cung ứng chỗ ở cho gần 1 triệu công nhân lao động.
Bên cạnh những giải pháp tình thế, những chính sách dài hạn là rất cần thiết trong việc hỗ trợ người lao động (Ảnh minh hoạ)
Để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động một cách bền vững, lâu dài theo bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn nợ thuế, ưu đãi thuế… Bên cạnh đó là các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp cũng như người lao động.
Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ đã giảm khoảng 200.000 lao động trong thời gian qua. Khó khăn của doanh nghiệp sẽ kéo theo khó khăn của cả người lao động. Trước tình hình này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội kịp thời thực hiện các giải pháp, đồng thời chủ trì xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ người lao động.
Đó là những giải pháp cần thiết trước mắt nhưng về lâu dài để hạn chế việc cắt giảm lao động thì việc thay đổi cơ cấu thị trường lao động là tối quan trọng. Người lao động có trình độ thấp, kỹ năng hạn chế.. sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn.
Công nghệ phát triển sẽ khiến nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam nữa.