Anh gia nhập CPTPP không những giúp doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu da giày mà còn mở rộng nguồn nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất để hưởng ưu đãi.
Nhân đôi cơ hội
Da giày đang là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ những ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hưởng lợi từ việc Vương Quốc Anh gia nhập hiệp định này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, Anh hiện là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành da giày với tỷ trọng xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Từ năm 2020 đến hết năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Anh đã tăng gấp đôi.
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam |
Nếu 2020, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Anh chỉ đạt 577 triệu USD bao gồm cả hàng giày dép và túi xách thì đến 2024, con số này đã đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2023. Mức tăng này tăng cao hơn mức tăng của cả ngành so với 2023.
Như vậy, mức tăng trưởng này đã và đang khẳng định sản phẩm giày dép, túi xách của Việt Nam được người tiêu dùng Anh ưa chuộng và đón nhận, từ đó góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, có đến 90% hàng giày dép, túi xách xuất khẩu đã và đang tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Và việc Anh gia nhập CPTPP không những không tạo ra rào cản mà còn đã và đang mang đến nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp giày dép, túi xách ở trong nước.
Đầu tiên, doanh nghiệp trong nước đã và đang làm rất tốt các thủ tục để tận dụng ưu đãi từ CPTPP để xuất khẩu sang các nước thành viên trong Hiệp định. Thêm thị trường Anh, các doanh nghiệp có thể tận dụng các bộ thủ tục sẵn có, như vậy vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính.
Tiếp đó, doanh nghiệp da giày, túi xách có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung nguyên vật liệu từ các nước thành viên, trong đó có Anh để sản xuất, xuất khẩu trong khối CPTPP.
Chủ động chinh phục tiêu chuẩn cao, tiệm cận mục tiêu bền vững
Cơ hội thị trường khi Anh gia nhập CPTPP là rất rõ ràng với ngành da giày, tuy nhiên theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Hiệp định CPTPP hay UKVFTA đều là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do vậy, đòi hỏi nước xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực nội tại. Trong đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến điều khoản về môi trường, về lao động… để đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững trong các hiệp định.
Sản xuất xanh, trách nhiệm xã hội hay phát triển vững là từ khoá quan trọng luôn được các doanh nghiệp da giày cùng chuyên gia nhắc tới khi bàn về chặng đường dài cho xuất khẩu của ngành. Vấn đề này ngày một “nóng” khi nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép, túi xách lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường.
Đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng không thể đi ngược của doanh nghiệp sản xuất da giày. Ảnh minh hoạ |
EU là một điển hình, quy định về sản xuất xanh, giảm phát thải carbon của EU đang tạo ra tiêu chuẩn cao hơn đối với việc tiếp cận thị trường, đồng thời tăng thêm nghĩa vụ giải trình phức tạp cho nhà sản xuất và hệ thống cung ứng.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, nếu như trước đây, phát triển bền vững chỉ là tiêu chí khuyến khích áp dụng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các nhãn hàng thì ngày nay đã trở thành xu thế bắt buộc và được luật hóa.
Điều đó thể hiện rất rõ thông qua một loạt các đạo luật, chính sách của EU đã được ban hàng và thực thi như thẩm định chuỗi cung ứng, chính sách về chống phá rừng, kiểm kê phát thải và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
Các chính sách này hiện đang tập trung áp dụng có quy mô lớn, tuy nhiên không có nghĩa là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng. Tiếp đến là một số chính sách đang được thảo luận như thiết kế sinh thái, đạo luật về trách nhiệm của rộng đối với nhà sản xuất…
Với EU, Anh hay thị trường khối CPTPP tiêu chuẩn xanh đang là vấn đề rất "nóng" và là xu thế không thể đảo ngược. “Vấn đề hiện nay là trong khi các nhà làm chính sách ở thị trường xuất khẩu đang làm ráo riết thì thông tin đến các doanh nghiệp còn đang rất hạn chế”, lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam lo lắng.
Cùng đó, khi tiêu chuẩn ngày càng cao, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp ngày càng lớn và chi phí này không phục vụ cho việc cải thiện chất lượng hàng hoá mà để thực hiện nhiều thủ tục chồng chéo nhau.
Trong bối cảnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, việc đáp ứng là bắt buộc nếu không muốn bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng. Do đó, về phía doanh nghiệp đừng đợi khách hàng yêu cầu mà cần chủ động thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, thương hiệu.
Nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, bảo đảm trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tinh gọn đầu mối quản lý chuyên ngành nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Từ năm 2020-2024 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày của Việt Nam sang Anh tăng gấp đôi. Với việc Anh gia nhập CPTPP kỳ vọng giúp Việt Nam mở rộng hơn nữa con số này. |
Nguồn: https://congthuong.vn/anh-gia-nhap-cptpp-them-co-hoi-cho-xuat-khau-da-giay-374739.html
Bình luận (0)