Là di sản hỗn hợp, di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á, Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Xứng danh di sản thế giới
Ngày 25/6/2014, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào danh mục Di sản thế giới – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí, đó là các tiêu chí về văn hóa, về giá trị thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở cực Nam đồng bằng Châu thổ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam. Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 12.000 ha, trên địa bàn 18 xã, phường, bao gồm: Khu di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa vô cùng đặc sắc. Nơi đây, đan xen trong những dải đá vôi là hệ thống đa dạng các thung lũng, hang động xuyên thủy được thảm thực vật rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm.
Khác biệt với sự nhộn nhịp của chốn thị thành hay sự đông vui nơi miền biển, Tràng An ẩn mình trong vẻ đẹp nhẹ nhàng cùng núi non xanh biếc và làng quê yên bình. Vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc cùng thời gian đã khiến nhiều người đến Tràng An, một lần đến sẽ muốn đến thêm nhiều lần.
Nằm ở trung tâm của Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch sinh thái Tràng An có diện tích 2.168 ha là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền hàng trăm hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí.
Hang Ba Giọt, hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Ao Trai, hang Seo,… cùng thung đền Trần, thung Mây, thung Nấu rượu, thung Khống… các hang xuyên thủy dài và đẹp ở tuyến du lịch số 2, 3 sẽ làm cho du khách ngỡ ngàng. Tất cả dường như hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian kỳ thú. Với 48 hang xuyên thủy động, đây là quần thể hang động có một không hai ở Việt Nam.
Bên cạnh Khu du lịch sinh thái Tràng An còn có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, các khu, điểm du lịch nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, Tuyệt Tịnh Cốc, Khu du lịch sinh thái Thung Nham; Hang Múa, động Thiên hà, Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính … đã và đang là sự lựa chọn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và tìm hiểu về khu Di sản.
Không chỉ có thiết kế đẹp và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, chùa Bái Đính còn có tầm quan trọng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi là nơi tổ chức Đại lễ cung nghênh xá lợi từ Ấn Độ về Việt Nam đầu tiên vào năm 2010. Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak năm 2014.
Là một phần trong Quần thể danh thắng Tràng An, nổi tiếng với danh xưng ‘Nam thiên đệ nhị động’, Tam Cốc Bích Động sở hữu cảnh sắc làng quê yên bình cùng hệ thống hang động núi đá vôi ấn tượng. Trên diện tích 350,3 ha, danh thắng là tổ hợp các hệ thống hang động núi đá vôi cùng phong cảnh làng quê yên bình. Bên cạnh đó, quần thể du lịch này còn sở hữu ngôi chùa Bích Động đậm đà lối kiến trúc truyền thống và những di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần oanh liệt.
Đặc biệt hơn, nếu có dịp đến với Tam Cốc Bích Động vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp trước cảnh sắc rực rỡ của cánh đồng lúa trổ đòng đòng dọc dòng sông Ngô Đồng thơ mộng. Lúc này, các cánh đồng lúa hai bên sông là sự kết hợp hài hòa giữa sắc xanh của mạ non và vàng rực của lúa chín cùng những đầm sen rực rỡ sắc màu. Đây là bức tranh hoàn hảo của cảnh sắc non sông khiến ai cũng bồi hồi, xao xuyến.
Nằm trong vũng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư là điểm đến đậm đà giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc, góp phần đưa Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới kép. Mặc thời gian thoi đưa, cố đô vẫn yên bình nằm đó, tuy trầm mặc nhưng vẫn đầy uy nghi, là dấu ấn vàng son đánh dấu một thời dân tộc oai hùng.
Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian không dài nhưng nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử. Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010).
Với địa thế đồi núi trùng điệp bao bọc xung quanh vành đai kinh đô như tấm bình phong vững chãi, cùng dòng Hoàng Long uốn khúc, Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị, đồng thời là đế đô đầu tiên của nước ta.Trước vận mệnh và yêu cầu của lịch sử, kinh đô đã được rời đi nhưng Cố đô Hoa Lư vẫn tiếp tục được xây dựng những công trình kiến trúc kiên cố với đền, chùa, đền thờ và được bảo tồn đến tận ngày nay. Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê được dựng ngay trên nền của Kinh đô xưa.
Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, Thiêu hương và hậu cung.
Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có ba tòa: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngọa Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga.
Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như chùa Ngần, chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Ngành du lịch Ninh Bình đã thực sự “cất cánh” khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới. Lượng khách du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là khách quốc tế. Năm 2022, đón 3,7 triệu khách, doanh thu 3.450 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình đón hơn 4,53 triệu lượt khách du lịch gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt hơn 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ và đạt 74,7% kế hoạch năm. Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 5.100 tỷ đồng.
Nhiều làng nghề như thêu ren Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, gốm sứ Bồ Bát, đá Ninh Vân, đã có cơ hội phát huy thế mạnh tiêu thụ sản phẩm thủ công tới du khách trong và ngoài nước. Một số lĩnh vực khác như xây dựng, in ấn xuất bản, sản xuất, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, tài chính … từ đó cũng được hưởng lợi.
Trong vùng du lịch phát triển một lực lượng lớn lao động chuyển sang nghề chèo thuyền, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, hướng dẫn viên, nhân viên trong các nhà hàng, khách sạn.
20 khu, điểm du lịch quy mô quốc gia và quốc tế như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính… Hệ thống cơ sở lưu trú tăng mạnh với trên 800 cơ sở. Điển hình như Khách sạn Legend, Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Bái Đính, Thung Nham resort, Tam Coc Garden…
Điểm sáng trên bản đồ du lịch
Ninh Bình đã lọt vào danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Traveller Review Awards, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới.
Bà Audrey Atoulay Tổng Giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, chủ thể của di sản, nên nhiều năm qua Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới”.
Tại Hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu tiến hành hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là “Đô thị Cố đô – Di sản”, dựa trên nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu, là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.