Giữa mùa hè, vùng cao Y Tý vẫn mát mẻ dễ chịu như mùa thu vùng thấp khiến lữ khách phải mặc thêm áo khoác mỏng trên cung đường khám phá. Thời tiết Y Tý vốn đỏng đảnh, thất thường như tâm hồn thiếu nữ, trời đang nắng chói chang bỗng chuyển mưa. Chẳng thế mà chuyến luồn rừng săn “đặc sản” thanh mai của chúng tôi cùng nhóm cô gái dân tộc Hà Nhì liên tục bị hoãn bởi những cơn mưa bất chợt.
Sào Mờ Gơ, cô gái trẻ người dân tộc Hà Nhì vừa bước qua tuổi 20 nhưng đã có kinh nghiệm nhiều năm săn “đặc sản”. Gơ bảo: Ít ai biết rằng, trong những cánh rừng ở vùng cao Y Tý có nhiều cây thanh mai mọc dại. Loài cây này thường mọc ở bìa rừng, dọc theo ven suối, quả bắt đầu chín vào khoảng giữa tháng 6 dương lịch. Đây cũng là thời điểm nông nhàn, người dân vừa kết thúc vụ cấy nên rủ nhau vào rừng săn quả để bán. Nhiều người không tin rừng Y Tý có quả thanh mai, mỗi lần đi hái, chúng tôi phải quay lại hình ảnh để chứng minh với khách hàng. Nếu may mắn, gặp được cây thanh mai lớn, sai quả, người đi rừng có thể kiếm được tiền triệu.
Gần trưa, khi những cơn mưa lặng dần, trời hảnh nắng, Sào Mờ Gơ cùng 2 người bạn và chúng tôi bắt đầu chuyến luồn rừng săn “đặc sản” thanh mai. Từ thôn Mò Phú Chải, chúng tôi di chuyển bằng xe máy thêm hơn 2 km mới đến ven rừng thôn Phìn Hồ. Rẽ vào đường mòn khoảng nửa km, chúng tôi “gửi xe” ở bụi cây ven rừng đi bộ. Tuyến đường đi khá quen thuộc với chúng tôi bởi đây là lối dành cho các vận động viên tham gia Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn do huyện Bát Xát tổ chức. Đoạn đầu, đường có lối mòn khá dễ đi, càng vào sâu càng khó di chuyển vì phải vén tế, guột, cỏ dại mà đi. Chưa kể nước mưa đọng lại sau cơn mưa buổi sáng cũng khiến quần áo mọi người ướt nhẹp.
Theo kinh nghiệm của Gơ và những người bạn, cây thanh mai thường mọc ở bìa rừng, ven suối, những địa điểm có độ ẩm tương đối cao. Vừa đi, Gơ và cả nhóm phải đưa mắt quan sát để phát hiện những quả thanh mai chín đỏ mọng lấp ló trong tán lá xanh. Phát hiện được cây có quả chín, lại rẽ cỏ, tìm đường tới gốc thanh mai.
Phu Giờ Mơ, một người cùng nhóm với Gơ cho biết: Cây thanh mai mọc đầy trong rừng nhưng không phải cây nào cũng có quả, nhiều cây có quả nhưng người đi trước thu hoạch rồi, để lại quả xanh chưa thu hoạch được. Vì vậy, việc tìm được những cây sai quả, chín vừa hái không dễ. Có khi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ, luồn lách qua những bụi cỏ rậm, trèo qua các mỏm đá, vũng bùn lầy, khe suối mới tìm được cây thanh mai có quả chín để hái.
Đúng như lời Mơ nói, trên đường vào rừng, chúng tôi gặp rất nhiều cây thanh mai nhưng đa phần không có quả, nhiều cây quả còn tương đối xanh vì mùa quả thanh mai mới bắt đầu.
Luồn rừng “săn đặc sản”
Hơn 30 phút tiến sâu vào rừng, chúng tôi đã tìm được cây thanh mai đầu tiên, cây khá nhỏ, lẩn khuất dưới tán dây leo nên chưa bị người đi rừng trước phát hiện. Ngay lập tức, các cô gái người Hà Nhì không ai bảo ai, bỏ chiếc gùi trên vai xuống đất, vin cành hái quả. Quả thanh mai rất mọng nên khi hái phải nhẹ nhàng, nếu không quả sẽ dập nát, khó bán. Chưa đầy 5 phút, những quả thanh mai chín đỏ mọng đã nằm gọn trong chiếc gùi của Gơ và Mơ.
Hái quả cho nhanh đầy gùi là việc của các cô gái người Hà Nhì, còn chúng tôi lần đầu hái những quả thanh mai chín mọng trong rừng Y Tý thì rất háo hức. Vị của quả thanh mai rừng khá chua xen lẫn một chút ngọt, mùi thơm nhẹ. Dư vị khiến ai thử một lần cũng phải tứa nước miếng mỗi khi nhớ lại. Loại quả rừng này thích hợp để ngâm cùng với đường, làm thức uống giải nhiệt trong mùa hè hơn là ăn trực tiếp.
“Cây này nhỏ quá, hái chẳng được bao nhiêu”, Mơ tỏ ra tiếc nuối. Nói rồi, tất cả lại đeo gùi lên vai, mỗi người tỏa ra một hướng, tiếp tục tìm kiếm những cây thanh mai có quả để hái. Cả nhóm giao hẹn: Ai tìm được cây thanh mai nhiều quả phải gọi thật to để cùng nhau hái!
Khoảng 10 phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng Gơ gọi từ phía xa: “Mọi người ơi! Ra đây hái quả thôi!”. Theo tiếng gọi, vài phút sau, cả nhóm tập trung dưới một gốc thanh mai cao chừng 4 m, đường kính khoảng 20 cm. Theo phán đoán của nhóm Gơ, cây thanh mai này đã hàng chục năm tuổi.
Đến được gốc cây, những cô gái Hà Nhì dáng người nhỏ thó, thoăn thoắt leo lên cây hái quả. Do quả thanh mai sinh trưởng và phát triển ở đầu cành nên họ phải nhoài người ra xa, vin cành để hái quả. Dù trèo lên cây cao nhưng nhóm của Gơ chỉ chọn những quả chín đỏ để hái, khéo léo không làm gãy cành và giữ lại quả xanh chờ dịp sau thu hoạch. Những người thu hái thanh mai như nhóm của Gơ cho rằng, nếu bẻ cành, năm sau thanh mai sẽ không cho quả nữa. Mặc dù, cây thanh mai khá lớn, sau một hồi thu hoạch, nhóm của Gơ chỉ chọn được khoảng 3 kg quả chín. Rong ruổi trong rừng khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, thành quả của nhóm Gơ là khoảng 6 kg quả thanh mai chín mọng và họ quyết định về sớm. Gơ tâm sự: “Đi rừng hái thanh mai cũng cần có may mắn. Rừng là của chung, ai cũng có thể thu hái quả cây nên lúc hái được nhiều, lúc hái được ít. Buổi nhiều nhất mỗi người có thể hái được 20 kg quả thanh mai, thu về cả triệu đồng”.
Về tới nhà, cả nhóm Gơ đổ quả thanh mai ra chậu để lựa, loại bỏ những quả hỏng, dập nát rồi mang ra chợ Y Tý bán cho du khách. Đối với khách quen, nhóm của Gơ sẽ đóng gói cẩn thận, gửi xe về tận thành phố, theo địa chỉ khách đặt trước. Theo Gơ, đa số khách mua thanh mai tò mò về hương vị của loại “đặc sản” rừng này. Họ mua về ngâm đường, tạo ra loại đồ uống có màu đỏ, vị chua nhẹ, thích hợp giải khát trong mùa hè. Đôi khi có người mua để ngâm rượu. Mỗi kg quả thanh mai được Gơ và người dân nơi đây bán với giá 50.000 đồng.
Đại ngàn Y Tý xanh thẳm còn nhiều sản vật để người dân có thể khai thác. Rừng xanh là thế, nếu biết bảo vệ và khai thác bền vững, không chỉ quả thanh mai mà các “đặc sản” khác như quả mâm xôi, mộc nhĩ, nấm hương rừng… sẽ là món quà mà thiên nhiên đền đáp cho nỗ lực bảo vệ rừng của người dân nơi đây, là nguồn thu nhập tăng thêm trong lúc nông nhàn.