TPHCM sẽ mở rộng mạng lưới metro lên hơn 600 km. Ảnh: Anh Tú
Điều chỉnh tuyến, mở rộng kết nối
Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mạng lưới metro dài hơn 600 km, với 8 tuyến xuyên tâm, 2 tuyến vành đai, 1 tuyến ven sông và 1 tuyến nối Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
So với quy hoạch năm 2013 với 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện dài 220 km, quy hoạch mới đã tăng gần gấp ba lần chiều dài.
Một số tuyến metro được điều chỉnh để tối ưu hóa vận hành và mở rộng phạm vi phục vụ. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện dài 19,7 km sẽ kéo dài đến An Hạ (huyện Bình Chánh), nâng tổng chiều dài lên 40,8 km.
Tuyến số 4 gộp từ tuyến số 4 và 4B (theo quy hoạch cũ), nối Đông Thạnh (Hóc Môn) đến Khu đô thị Hiệp Phước, đồng thời được điều chỉnh để đi qua sân bay Tân Sơn Nhất.
TPHCM sẽ kéo dài Metro số 1 đến huyện Bình Chánh. Ảnh: Anh Tú
TPHCM cũng chú trọng kết nối metro với hệ thống giao thông lớn như đường sắt quốc gia, ga Bình Triệu, Dĩ An, sân bay Long Thành và ga Tân Kiên (trên tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ). Mạng lưới metro sẽ vươn xa tới Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tạo sự liên kết chặt chẽ với các đô thị vệ tinh.
Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) - cho biết, quy hoạch trước đây, các tuyến metro đi qua khu dân cư đông đúc, khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao. Nay, quy hoạch mới ưu tiên đặt nhà ga tại các khu đất công, vừa giảm áp lực chi phí, vừa tạo không gian phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Việc mở rộng phạm vi metro cũng giúp hình thành các khu đô thị mới dọc theo tuyến. Chẳng hạn, tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) và tuyến số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) trước đây chỉ tập trung trong nội đô, kéo theo chi phí bồi thường lớn.
Việc kéo dài các tuyến này đến Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn mở ra cơ hội phát triển đô thị vùng ven, giãn dân hợp lý.
TPHCM bổ sung tuyến mới, đảm bảo khoảng cách từ khu dân cư đến ga metro chỉ từ 800 m - 1 km, tương tự các hệ thống metro tiên tiến tại Nhật Bản, Singapore.
Xây 355 km metro trong 10 năm tới
Bên cạnh quy hoạch dài hạn đến 2050, TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến metro (từ số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355 km.
TPHCM chuẩn bị mặt bằng làm tuyến Metro số 2. Ảnh: Anh Tú
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, việc xây dựng hệ thống metro quy mô lớn trong thời gian ngắn là thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu có chiến lược đúng đắn.
Theo ông Sơn, TPHCM cần có tư duy đột phá trong quy hoạch, quản lý và triển khai, tránh lặp lại những hạn chế của Metro số 1.
Thành phố không nên ngại dành 2 - 3 năm đầu để chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, cơ chế, vốn đầu tư và nhân sự. Nếu thiếu kinh nghiệm, có thể thuê chuyên gia quốc tế để đảm bảo quá trình thực hiện hiệu quả.
Một trong những rào cản lớn nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án hạ tầng tại TPHCM từng mất hàng chục năm vì vướng mắc khâu này. Ông Sơn đề xuất, thành phố cần xây dựng cơ chế rút ngắn thời gian giải tỏa xuống còn khoảng một năm, đảm bảo mặt bằng sạch để triển khai đúng tiến độ.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/xa-hoi/hon-600-km-metro-sap-phu-khap-tphcm-ket-noi-ca-vung-ven-1459514.ldo
Bình luận (0)