Hiện tượng học sinh dùng điện thoại vẫn tiếp diễn, ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, môi trường sư phạm của lớp, trường. Làm thế nào để quy định này phát huy hiệu quả đang là vấn đề được xã hội quan tâm.
Cấm dùng điện thoại trong giờ học
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác, sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, Bộ GD&ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020, nêu rõ: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Tôi không cho con mang điện thoại đến lớp nhưng con nói, gần như cả lớp có điện thoại và mang đi học. Lớp con tôi, giáo viên chủ nhiệm cũng đã có văn bản yêu cầu phụ huynh ký cam kết không cho học sinh sử dụng điện thoại nhưng bất thành. Nếu Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT có quy định chung áp dụng với toàn hệ thống (trừ những tiết học yêu cầu công nghệ), tôi nghĩ sẽ khả thi hơn rất nhiều.
Anh Nguyễn Chí Nghĩa, phụ huynh học sinh tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học.
Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cũng không cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi đã vào tiết học. Việc quản lý điện thoại được tiến hành bằng cách thức tương tự, đó là lớp chuẩn bị sẵn một chiếc hộp, học sinh trước khi vào lớp sẽ được nhắc nhở để điện thoại ở chế độ yên lặng và lần lượt bỏ điện thoại vào đó, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giờ học.
“Vì để vào hộp chung sẽ không quản lý và giám sát cụ thể đến từng học sinh nên sau khi xin ý kiến phụ huynh, lớp tôi đã đóng một giá gỗ đặt gần khu vực bàn giáo viên. Trước khi vào lớp, học sinh được nhắc nhở và tự mang điện thoại lên đó để. Các ngăn lộ thiên kèm tên học sinh ở từng ngăn nên nếu ngăn nào còn trống, nghĩa là học sinh hoặc là không mang điện thoại đến lớp, hoặc là có mang nhưng chưa để vào chỗ quy định; khi đó cán sự lớp dễ dàng nhắc nhở từng cá nhân, yêu cầu thực hiện đúng quy định”, cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) chia sẻ.
Còn theo Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường, khi đến trường, học sinh không được dùng điện thoại trong lớp khi chưa được phép của giáo viên. Trường hợp học sinh mang điện thoại đến trường, điện thoại của học sinh được quản lý ở hộp cất điện thoại di động vào đầu mỗi buổi học và trả lại khi buổi học kết thúc.
Cần thống nhất cách làm
Để triệt để cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học, có trường học tại Hà Nội ra quy định cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Theo đó, trong trường hợp học sinh có việc đột xuất cần liên hệ với gia đình hoặc ngược lại, sẽ thông qua bộ phận văn phòng trường bằng hình thức gọi điện hoặc đến trực tiếp.
Tuy nhiên, với những em trót mang điện thoại đi học, các lớp cũng có bộ phận bảo quản điện thoại cho học sinh. “Quan điểm của trường, dứt khoát học sinh phải tắt máy trước khi vào trường và chỉ được mở máy sau khi tan học”, đại diện đơn vị này cho biết.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Thu An, giáo viên tại một trường THCS thuộc quận Thanh Xuân cho rằng, trong nhiều tiết học hiện nay cần tương tác và thực hành nên giáo viên cho phép học sinh dùng thiết bị thông minh; tuy nhiên các tiết học này có kế hoạch và đều được thông báo trước để cả học sinh và phụ huynh nắm được, chuẩn bị. Do vậy, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường là cần thiết; thậm chí cần đưa ra cách làm cụ thể kèm hình thức xử lý để các trường thống nhất trong thực hiện.
“Nguyên tắc dạy học là tạo chú ý cho học sinh. Nếu học sinh không tập trung sẽ khó hoàn thành được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra; bởi vậy việc đưa ra quy định cấm sử dụng điện thoại trong tiết học là vô cùng cần thiết”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) bày tỏ quan điểm.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chỉ nên yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học, còn không nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường; thậm chí không nên cấm học sinh dùng điện thoại khi ra chơi vì điều đó không gây ảnh hưởng đến tiết học; hơn nữa, việc sử dụng điện thoại để giải trí trong giờ giải lao không phải là việc xấu.
“Việc cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác của học sinh. Trường hợp học sinh vi phạm, không nên áp dụng những biện pháp xử lý cứng nhắc mà cần linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục các em, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà bày tỏ.
Ở góc nhìn khác, Hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội cho rằng, việc học sinh mang điện thoại đến trường vừa tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan công tác quản lý, vừa dẫn đến giảm chất lượng giáo dục. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, sự hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ GD&ĐT, từ đó chỉ đạo xuống các Sở GD&ĐT và các nhà trường thay vì chỉ nhắc đến chung chung trong Thông tư như hiện nay.
Không ai phủ nhận tác dụng của điện thoại và công nghệ trong cuộc sống cũng như trong học tập, nhưng rõ ràng, điện thoại di động đang lấy đi của học sinh quá nhiều thời gian; gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Đã đến lúc cần một giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và rõ ràng hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của điện thoại di động đến học sinh mỗi ngày đến lớp.
Mới đây Bộ Giáo dục nước Anh yêu cầu các hiệu trưởng kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt thời gian ở trường, bao gồm giờ ra chơi, để các em tập trung vào việc học. Theo tờ The Guardian, chỉ đạo mới của Bộ Giáo dục Anh đưa ra các hướng dẫn cho các trường để kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường như học sinh chỉ được phép dùng điện thoại trước khi đến và sau khi rời khỏi trường; yêu cầu học sinh để điện thoại ở nhà; giao điện thoại cho nhà trường cất giữ hoặc để trong tủ khóa khi đến trường… Học sinh vi phạm có thể bị tịch thu điện thoại. Giáo viên cũng không sử dụng điện thoại trong trường học trừ trường hợp cần thiết phục vụ công việc. Tương tự, tại nhiều quốc gia như Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Trung Quốc…, cũng cấm điện thoại di động trên toàn quốc tại các trường học.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-co-nen-su-dung-dien-thoai-khi-den-truong.html