Với hơn 2.000 nhân khẩu thuộc hơn 400 hộ, chủ yếu là người đồng bào DTTS, qua từng năm, thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn) từng ngày khởi sắc từ diện mạo cho đến đời sống tinh thần. Để có “quả ngọt” này không thể không kể đến những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn. Chị Ka Rơm là một trong số đó – người đã dành hơn 27 năm một lòng góp sức đưa Suối Thông A2 trở thành vùng đất yên bình.
Chị Ka Rơm (giữa) luôn tận tụy, hết lòng vì bình yên của thôn, xóm |
Hơn 12 giờ đêm, bị tỉnh giấc bởi tiếng kêu cửa, cầu cứu của chị T., chị Ka Rơm cùng chồng vội theo người phụ nữ ấy đến nhà để thấu rõ sự tình. Vẫn còn men say, anh H. – chồng chị T. vẫn còn hậm hực, bức xúc, trong cơn tức giận luôn muốn “động tay, chân” với vợ. Để giúp đỡ vợ chồng chị T., chị Ka Rơm lấy hết bình tĩnh rồi vội vàng vào khuyên giải. Sau một hồi nói chuyện, anh H. dần bình tĩnh trở lại và nhận ra hành động của mình là không đúng. Nhờ khéo léo hòa giải, chị Ka Rơm đã giúp vợ chồng chị T. có tiếng nói chung. “Kể từ lần đó đến nay, hai vợ chồng chị T. không còn thấy cãi vã, to tiếng, cả hai đều cố gắng tu chí, chuyên tâm làm ăn”, chị Ka Rơm nhớ lại.
Câu chuyện tuy đã của 10 năm trước, nhưng với chị Ka Rơm – hòa giải viên cơ sở thôn Suối Thông A2 – đây vẫn là lần hòa giải đáng nhớ nhất. “Và cũng từ lần hòa giải thành công đó mà mình gắn bó với công việc này suốt 10 năm qua”, chị nói.
Đã sang tuổi 52, chị Ka Rơm dường như đã dành hơn một nửa số tuổi của mình để gắn bó với công tác Mặt trận, phụ nữ ở thôn và tham gia công việc hòa giải ở cơ sở. Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Suối Thông A2, chị Ka Rơm không chỉ được mọi người quý mến vì là người có năng lực, trách nhiệm với công việc mà còn vì sự nhiệt tình, tận tâm, hết lòng vì mọi người. Nhờ sự tin yêu và uy tín của mình mà hầu như những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở thôn, chị cùng tổ hòa giải thôn đều hòa giải thành công.
Chị Ka Rơm chia sẻ, để là một người hòa giải giỏi, trước hết, bản thân phải là tấm gương tốt, có đạo đức và đủ uy tín thì khi đó lời nói mới có giá trị. Ngoài ra, bên cạnh sự nhiệt tình, tận tâm, người hòa giải viên cần có khả năng thuyết phục tốt, khéo léo và nhanh nhạy trong việc tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, phải có sự “dày dặn” trong cuộc sống và hiểu biết pháp luật. Nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai để có thể tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ, từ đó, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương.
Trong mâu thuẫn hôn nhân, gia đình, chị Ka Rơm luôn cố gắng giúp các cặp vợ chồng hiểu, đối mặt với vấn đề và tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý. “Va chạm, bất đồng trong cuộc sống hôn nhân, gia đình là điều không thể tránh khỏi. Những lúc này, các thành viên nên bình tĩnh, ngồi lại và lắng nghe, thấu hiểu nhau để tìm ra tiếng nói chung”, chị chia sẻ. Với những xung đột trong mối quan hệ làng xóm, công việc, chị luôn tìm hiểu kỹ trước vụ việc, lắng nghe từ nhiều phía, nắm rõ nguyên nhân, từ đó mới có hướng giúp đỡ, giải quyết phù hợp.
Chính nhờ sự khéo léo và tận tâm này, mà chị cùng Tổ hòa giải thôn Suối Thông A2 đã góp phần giúp thôn, xóm trở nên bình yên, tình làng nghĩa xóm gắn kết, nhận thức pháp luật của bà con vùng đồng bào DTTS được nâng cao, không có điểm nóng về an ninh trật tự. “Nhiều năm trở lại đây, thôn không xảy ra vụ việc mâu thuẫn phức tạp, không có đơn khiếu kiện vượt cấp. Đặc biệt, từ năm 2018, Suối Thông A2 đã đạt danh hiệu Thôn văn hóa”, chị Ka Rơm phấn khởi nói.
Công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thường vất vả, khó khăn và có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Hơn nữa, là phụ nữ còn phải vướng bận chuyện gia đình, con cái. Thế nhưng, suốt gần 30 năm qua, chị Ka Rơm chưa bao giờ xao nhãng với công việc mà luôn gắn bó, tận tụy với thôn, xóm. “Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là vì niềm mong muốn góp phần nào công sức giúp bà con vùng Suối Thông A2 có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị chia sẻ.
Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của chị Ka Rơm, mới đây, chị là một trong những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Với chị, bên cạnh niềm vui lớn vì được bà con tin yêu thì phần thưởng này được xem là nguồn khích lệ, động viên tinh thần to lớn giúp chị có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình, góp một phần công sức cho sự giàu đẹp của địa phương.