25 năm lưu giữ di sản văn hóa Tây Nguyên

Suốt gần 25 năm qua, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Quốc Dũng sưu tầm được hơn 30 ngàn hiện vật, trong đó có rất nhiều cổ vật quý hiếm mang giá trị lịch sử văn hóa Tây Nguyên. Anh đã hiến tặng hơn 500 hiện vật cho 5 bảo tàng, nhà trưng bày, làng văn hóa truyền thống.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng07/02/2025


Nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng (thứ hai, từ trái qua) trao tặng cổ vật cho Bảo tàng Lâm Đồng

Anh Nguyễn Quốc Dũng (48 tuổi, Đà Lạt) không nhớ mình có niềm đam mê với kỷ vật, cổ vật từ bao giờ, chỉ nhớ ngay từ khi còn nhỏ đã yêu thích, nâng niu những điều xưa cũ. Đến năm 2001, anh bắt đầu sưu tầm, mới đầu chủ yếu là những món đồ kim khí mang tính chất “em yêu khoa học” như: đồng hồ, casset, máy ảnh… dần anh tập trung sưu tầm các kỷ vật, cổ vật mang giá trị văn hóa, lịch sử, chất liệu đa dạng.

25 năm qua, anh Dũng đi khắp các buôn làng Tây Nguyên, nghe nói ở đâu có những món đồ độc, lạ, đẹp là anh tìm đến. Càng đi, càng mê, nhiều món đồ anh phải đi lại nhiều lần mới có được. Niềm yêu thích, say mê với di sản văn hoá vật thể thôi thúc anh tìm kiếm và thường trực suy nghĩ “Mình sinh ra có duyên nợ, có sứ mệnh lưu giữ bảo tồn những hiện vật đang dần mất đi”. Tiền kiếm được từ vườn cà phê, anh dùng vào việc sưu tầm. Anh trở thành nhà sưu tầm trẻ tuổi hoạt động sôi nổi trong Câu lạc bộ UNESCO Lâm Đồng.

Nhìn vào “gia tài” hơn 30 ngàn cổ vật, kỷ vật của anh, đủ các chất liệu, các chủng loại, các thời kỳ, quá khứ của vùng đất Tây Nguyên như hiện diện. Hàng trăm bộ sưu tập từ cồng chiêng, trống da trâu, các loại nhạc khí, đến dụng cụ lao động sản xuất, săn bắt hái lượm, vật dụng sinh hoạt của đồng bào các dân tộc K’Ho, Churu, Chăm, Ê đê, Bana, Gia Rai… đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, phong phú về chất liệu: gốm, sứ, đồng, sắt, gỗ, tre nứa… Được tận mắt chứng kiến “kho” cổ vật đồ sộ của anh, hẳn ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những chum, choé, chén, dĩa bằng gốm, cồng chiêng, tù và, trống da trâu; và cả những kỷ vật, vật dụng sinh hoạt những thời kỳ đã qua: đơm, đó, gùi, nỏ, cối, chày, xà gạc… như thấy từng dấu vân tay làm cho đồ vật nhẵn bóng và giọt mồ hôi trong cuộc mưu sinh, chinh phục thiên nhiên của lớp lớp tiền nhân.

Cùng với việc sưu tầm, trao đổi để thỏa niềm đam mê, anh Dũng đã phối hợp cùng các khu, điểm du lịch trong tỉnh đem hiện vật văn hóa đến với công chúng du khách cùng chiêm ngưỡng. Anh mang cổ vật của mình đi nhiều nơi, trưng bày ở nhiều sự kiện văn hóa, tại Lễ hội Kate của người Chăm Ninh Thuận, Lễ hội văn hóa Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Gần đây nhất là tại Cung đường nghệ thuật trên đường Lý Tự Trọng - Đà Lạt với hàng trăm chiếc gùi lớn nhỏ, trống da trâu và đồ trang sức gây sự cuốn hút mạnh mẽ. Mang hiện vật đi trưng bày ở đâu thì ngày nghỉ anh thường đến đó làm “hướng dẫn viên” giới thiệu từng món cổ vật của mình cho công chúng hiểu rõ hơn từng món cổ vật gắn với từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Cứ vậy, lặng lẽ như làm việc, lặng lẽ sưu tầm, lặng lẽ cống hiến tất cả những gì mình làm được.

Tôi gặp anh Dũng cách đây hơn 15 năm tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IV - năm 2009, ấn tượng với hàng ngàn hiện vật văn hóa bản địa trong không gian triển lãm đầy hoài niệm tại Di tích quốc gia Ga Đà Lạt. Rồi triển lãm chum chóe của anh trong không gian du lịch Đồi Mộng Mơ, Làng Cù Lần và trong quán cà phê Miền ký ức… Cảm nhận về tình yêu tha thiết, chung thủy của một người trẻ tuổi dành cho di sản văn hóa dân tộc, từ lúc còn trẻ, đến nay tóc bắt đấu lấm chấm sợi bạc.

Ý tưởng hiến tặng cổ vật của anh Dũng bắt đầu từ 3 năm nay, khi kho hiện vật của anh thì quá tải, trong khi các bảo tàng rất cần hiện vật trưng bày phục vụ tham quan tìm hiểu, nghiên cứu. Thế rồi, những cổ vật của người Chăm được trao cho Trung tâm Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận; những kỷ vật, cổ vật về của đồng bào K’Ho, Churu được trao cho Bảo tàng Lâm Đồng, xã Đưng K’nớ, Làng truyền thống dân tộc K’Ho xã Đạ Chais (Lạc Dương), thôn Đam Pao - xã Đạ Đờn (Lâm Hà); những bộ trang sức của phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được trao cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ... Đến nay, anh hiến tặng 5 bảo tàng, nhà trưng bày văn hóa truyền thống trong và ngoài tỉnh; tổng cộng hơn 500 hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa.

Anh Nguyễn Quốc Dũng tâm sự, nếu một mình lưu giữ cho riêng mình sẽ không ai biết đến, anh mong muốn nhiều người cùng được chiêm ngưỡng các hiện vật để cùng nhau gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Việc hiến tặng hiện vật cho các đơn vị đáng để trao tặng, niềm tin được đặt đúng người, đúng nơi, đúng chỗ thì hiện vật của mình sẽ ngày càng phát huy giá trị, được nhiều người cùng biết đến, anh thấy mình không uổng công lặn lội kiếm tìm, sưu tầm. Thời gian tới, anh tiếp tục hiến tặng những cổ vật phù hợp cho các bảo tàng.

Ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng đánh giá cao những đóng góp của nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Từ các vật cổ có niên đại từ xa xưa cho đến những kỷ vật do anh Dũng hiến tặng đã minh chứng sống động cho đời sống vật chất, tinh thần trong suốt quá trình lao động, sản xuất, chinh phục thiên nhiên, đời sống săn bắt hái lượm của đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng. Việc hiến tặng hiện vật của anh Dũng đã góp phần làm phong phú thêm hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng, thu hút du khách, từ đó nhân lên tình yêu với di sản văn hóa dân tộc.

Nguồn: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/25-nam-luu-giu-di-san-van-hoa-tay-nguyen-a2a530e/



Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available