Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất, đưa ra nhiều giải pháp giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam tại châu Á, châu Phi mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á – châu Phi diễn ra chiều ngày 19/12 theo giờ Nhật Bản, các Cục, Vụ chức năng Bộ Công Thương đã phát biểu ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động giao thương của Việt Nam với các thị trường trong khu vực châu Á – châu Phi, từ đó tạo thế và lực để ngành Công Thương vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ưu tiên việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung
Phát biểu tham luận tại Hội nghị Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á – châu Phi về hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường các nước Á, Phi, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cam kết, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tối đa các chương trình, hoạt động, kế hoạch của Hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại khu vực thị trường châu Á – châu Phi trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đề xuất tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu sẽ trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các thương vụ |
Liên quan đến cơ sở dữ liệu dùng chung, Cục trưởng Vũ Bá Phú đề nghị, các tham tán thương mại cần phải đẩy nhanh nhiệm vụ này. Bởi, khi có hệ thống dữ liệu dùng chung, cả ở trong nước và ngoài nước đều có được những thông tin giá trị đích thực, sát thực tiễn để từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, kịp thời.
Cục trưởng Vũ Bá Phú đề xuất, việc tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, hiệu quả công việc của các thương vụ.
Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng 12% so với 2024
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong thời gian qua, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á, châu Phi đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các thị trường như Malaysia, Philippines… đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu gạo, điều…
Trong năm vừa qua, việc chào bán gạo ở mức giá cạnh tranh, thấp hơn giá thị trường đã giúp xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn. Điển hình, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã hỗ trợ rất nhanh chóng và kịp thời để đảm bảo an toàn thương mại.
Đối với kế hoạch năm 2025, Cục Xuất nhập khẩu đã hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ hai văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động ngoại thương, trước khi gửi lên Bộ Công Thương và trình Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu sẽ lấy ý kiến đóng góp từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Liên quan đến hoạt động của Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 800 tỷ USD. Theo kế hoạch năm 2025, mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 12%. Vì vậy, đề nghị các tham tán thương mại tại các nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Xuất nhập khẩu sẽ đóng vai trò thường trực trong việc xét chọn các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu năm 2023. Cục Xuất nhập khẩu sẽ trình danh sách các doanh nghiệp lên lãnh đạo Bộ và cung cấp thông tin cho các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp kiểm tra, đảm bảo các doanh nghiệp xuất khẩu đúng với khai báo.
Giải pháp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Trịnh Anh Tuấn thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại của Việt Nam trong năm 2024 |
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Trịnh Anh Tuấn cho biết, hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra khoảng 271 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó riêng thị trường châu Á đã chiếm đến 145 vụ, tương ứng hơn 60% tổng số. Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể với 27 vụ việc từ đầu năm đến nay, chỉ đứng sau mức cao nhất trong 10 năm qua là 31 vụ việc vào năm 2019.
Các vụ việc phòng vệ thương mại tập trung chủ yếu tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam, như Australia (19 vụ), ASEAN (52 vụ), và Hàn Quốc, cùng một số thị trường khác tuy ít hơn nhưng vẫn có xu hướng tăng.
Đối với Australia và Hàn Quốc, nhờ có các Ủy ban hợp tác thương mại nên việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại khá tốt. Cụ thể, trong 19 vụ tại Australia thì 15 vụ đã được chấm dứt hoặc bị áp thuế không đáng kể. Riêng với Hàn Quốc, Ủy ban Hợp tác hoạt động rất hiệu quả, đảm bảo trao đổi thường xuyên và liên tục. Việc thiết lập cơ chế hợp tác này rất khó khăn do đó, song thiết lập được Ủy ban Hợp tác thì đây là cơ chế rất tốt để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, tại thị trường ASEAN, một số quốc gia như Indonesia (18 vụ), Philippines (14 vụ), Malaysia (11 vụ), và Thái Lan (9 vụ) đang có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại kiến nghị tới các thương vụ:
Thứ nhất, xây dựng quan hệ hợp tác tốt với các cơ quan phòng vệ thương mại và điều tra ở nước ngoài để kịp thời cập nhật thông tin và truyền tải lại trong nước. Việc nắm bắt thông tin sớm sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn, từ đó giảm thiểu mức thuế áp dụng.
Thứ hai, tích cực triển khai hoạt động phản ứng, phản hồi và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, thông qua hệ thống thư, văn bản, gặp gỡ trực tiếp…
Thứ ba, có những dự báo và cảnh báo sớm. Hiện nay, Cục đã xây dựng trang web cảnh báo sớm với dữ liệu xuất khẩu theo thị trường, nhưng cần bổ sung các cảnh báo thực tế từ thị trường. Do vậy, rất cần sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ từ các thương vụ để phối hợp xử lý, góp phần duy trì kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu một cách bền vững.
Nhập siêu trở lại, không đáng lo ngại
Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính |
Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính: Khu vực thị trường châu Á – châu Phi là địa bàn hết sức quan trọng, đóng góp tới 49% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có tỷ trọng nhập siêu lớn của cả nước, trong đó phải kể đến các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… Dù vậy, chúng ta đang nhập nguồn nguyên phụ liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nên không đáng lo ngại.
Trong thời gian qua, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á, châu Phi đã hỗ trợ rất nhiều cho Vụ Kế hoạch tài chính trong việc thực hiện các chính sách thị trường, cung cấp thông tin làm cơ sở để soạn thảo, tham mưu chính sách cho lãnh đạo Bộ.
Trong thời gian tới, đề nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ tại thị trường châu Á – châu Phi phối hợp chặt chẽ hơn với Vụ Kế hoạch tài chính để hoàn thành các nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ đã phân giao.
Hệ thống thương vụ – cầu nối phát triển ngành công nghiệp Việt Nam
Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cho biết, các thương vụ đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia châu Á, châu Phi với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp |
Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cho rằng: Phát triển ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong năm 2024 với những tín hiệu rất tích cực. Dự kiến lĩnh vực này sẽ tăng trưởng 8,4% so với năm 2023. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỷ USD của năm 2024. Góp phần vào kết quả này có vai trò vô cùng quan trọng của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á, châu Phi.
Các Thương vụ Việt Nam cũng đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia châu Á, châu Phi với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Đặc biệt, với nhu cầu nhập khẩu năng lượng, Việt Nam đã thiết lập nhiều hoạt động ngoại thương, nhập khẩu than từ Nam Phi, Lào, Indonesia,…, đồng thời nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là khai thác và chế biến bô-xít để sản xuất nhôm. Sản phẩm nhôm của Việt Nam được các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… đánh giá cao về độ tinh khiết so với các nước khác. Các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước sở hữu trữ lượng bô-xít rất lớn, cần được khai thác nhanh chóng nhằm hoàn trả mặt bằng và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Trong lĩnh vực ô tô, mức tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây duy trì ở mức khoảng 500.000 xe mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô từ nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Hoạt động đầu tư không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực Đông Nam Á và toàn cầu, tập trung vào các dòng xe cao cấp và xe điện – những xu thế nổi bật của ngành.
Tuy nhiên, cần định hướng thu hút đầu tư, tránh trùng lặp với các quốc gia trong ASEAN, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh riêng cho Việt Nam.
Về ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng đạt được những bước tiến lớn khi vừa qua, Tập đoàn NVIDIA chính thức đầu tư vào một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đây là thành công quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia trên thế giới, và là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á, được chọn làm nơi đặt trung tâm dữ liệu và nghiên cứu của tập đoàn này. Thành tựu này đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng các bước đi chiến lược, tạo nền tảng vững chắc để đảm bảo hoạt động hiệu quả của trung tâm và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Đối với các ngành công nghiệp khác như dệt may và da giày, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong lĩnh vực này. Dự kiến năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may và da giày sẽ đạt 41 tỷ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu và vật liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày, điều này tạo ra lợi thế lớn cho phát triển sản xuất và thương mại. Do đó, hệ thống thương vụ cần tiếp tục đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, đề nghị các thương vụ cũng phát huy sự năng động trong việc trao đổi, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp tại các quốc gia sở tại, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế của Việt Nam.
Về văn hóa, các nước châu Á đều có những nét đặc sắc riêng, và chúng ta có thể phát huy những nét tương đồng về văn hóa và những nét bản sắc văn hóa độc đáo trong hợp tác kinh tế quốc tế. Điều này không chỉ giúp chia sẻ thông tin mà còn tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế, từ đó thu hút đầu tư cho Việt Nam. Khi kết hợp những hoạt động như vậy, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện các hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã thu hút được lực lượng lao động giá rẻ và tận dụng được năng lực quốc dân. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, chúng ta cần thu hút các nhà đầu tư vào các ngành công nghệ hiện đại, với những giải pháp tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Trong xu thế chuyển đổi năng lượng, Việt Nam cam kết giảm sử dụng năng lượng và giảm thiểu rác thải.
Việc thu hút các nhà đầu tư sử dụng lao động chất lượng cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến và tạo ra giá trị gia tăng lớn cho Việt Nam là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp tránh những tình huống mà chúng ta gọi là phòng vệ thương mại, và hướng tới một nền công nghiệp thực sự mạnh mẽ.
Đề nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng để đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước đang phát triển với công nghiệp tương đối hiện đại và thu nhập trung bình cao. Mục tiêu xa hơn là đến năm 2045, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển và có thu nhập cao.
Hiện thực hóa mục tiêu này, cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như vi mạch điện tử, chip, điện thoại, thay vì chỉ xuất khẩu những sản phẩm thô sơ. Việc thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu và đạt được mục tiêu phát triển.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á – châu Phi |
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế: Trong thời gian qua, chúng ta đã ký được nhiều FTA, đặc biệt là với khu vực châu Á và châu Phi, chiếm tới 82% tổng số FTA đã ký. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong số các quốc gia có thặng dư và nhập siêu lớn đối với Việt Nam, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều nằm trong khu vực này.
Trung Quốc có nhập siêu vào Việt Nam lên tới 49 tỷ USD trong năm 2023, còn Hàn Quốc là 28 tỷ USD. Nhập siêu không phải là vấn đề quan trọng nhất, vì nền kinh tế của chúng ta hiện tại chủ yếu là gia công và lắp ráp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu.
Đặc biệt, một số ngành như đồ gỗ và dệt may có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu rất cao, chiếm tới 80% đối với đồ gỗ và 85% đối với hàng dệt may. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm tỷ lệ nhập siêu từ các nước này. Một trong những giải pháp mà tôi đã đề xuất trước đây là tăng cường nhập khẩu các sản phẩm có giá trị cao, ví dụ như máy bay từ Mỹ, điều này sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhờ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA đã ký kết, đặc biệt là với 16 FTA đã có hiệu lực, trải dài trên 60 thị trường. Chúng ta đã mạnh mẽ hội nhập với thế giới, nhưng để tận dụng hết các cơ hội từ FTA, cần có sự phối hợp và triển khai hiệu quả hơn trong nước. Chúng ta cần phải có cả hai cánh: hội nhập quốc tế và khai thác nội địa để tối ưu hóa các cơ hội từ các FTA.
Vì vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo triển khai các cam kết hội nhập tốt hơn, giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA và đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh công tác phối hợp phòng, chống hàng giả
Tổng cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh đề nghị các thương vụ cần phối hợp với các thương hiệu tại nước sở tại để cung cấp thông tin, góp phần phòng chống hàng giả |
Tổng cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh: Trong 2 năm qua, Chính phủ của một số nước tại thị trường châu Á, châu Phi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Trung Quốc… đã gặp gỡ, trao đổi với lực lượng quản lý thị trường và đề nghị phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, gian lận, buôn lậu thương mại.
Với Trung Quốc, trong năm 2023, Bộ Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Chính phủ, đã yêu cầu ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã sang Trung Quốc và trực tiếp ký kết.
Với thị trường Lào, trong năm qua, phía Lào cũng đã nhiều lần có các buổi làm việc với phía Việt Nam đề nghị tăng cường công tác phối hợp phòng chống hàng, gian lận thương mại tại biên giới.
Đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng hóa của hai quốc gia này đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Các cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ rất mật thiết với Tổng cục Quản lý thị trường và đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục trong 2 năm qua.
Hiện nay các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc chống hàng giả của Hàn Quốc và Nhật Bản ở thị trường nội địa. Do đó, tôi đề nghị các thương hiệu nước ngoài phân phối tại Việt Nam cần phản hồi và công khai các kênh phân phối chính thức, cửa hàng, và cách thức mua hàng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hóa chính thống tại thị trường Việt Nam.
Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á – châu Phi… Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương… Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á – châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản… |
Nguồn: https://congthuong.vn/hang-loat-de-xuat-giup-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-tao-the-va-luc-dua-dat-nuoc-vuon-minh-365169.html