Vi phạm chưa bị xử lý
Vào ngày 8/5/2023, Sở Xây dựng TP HCM đồng ý cho Công ty Cổ phần Gamuda Land (Gamuda Land) được mở bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 160 căn hộ thuộc Khu chung cư A5và 1.153 căn hộ thuộc Khu chung cư A6 trong dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại Celadon City, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) tại văn bản 6351/SXD-PTN&TTBĐS.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại văn bản này của Sở Xây dựng, nhiều thông tin cho thấy ngoài các vi phạm đã bị xử phạt của Gamuda Land, vẫn còn những vấn đề khác chưa được chỉ ra.
Cụ thể, theo các tài liệu pháp lý do Gamuda Land cung cấp cho Sở Xây dựng, trong đó có biên bản GLHCM/A5.1/RICONS/HTGD/PHANNGAM/001 ngày 29/11/2019 và A5.2.EPSW/FCS/CSI/POC/001 ngày 29/4/2021 về nghiệm thu hoàn thành hạng mục kết cấu phần ngầm công trình Khu chung cư A5.
Trong khi đó, Khu chung cư A5 lại được Sở Xây dựng cấp giấy phép số 68/GPXD để cho phép chủ đầu tư này được phép xây dựng công trình vào ngày 28/5/2021. Như vậy, phần ngầm của Khu chung cư A5 đã được Gamuda Land hoàn thành và có biên bản nghiệm thu trước khi có giấy phép xây dựng.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 39 Điều 1 Luật xây dựng sửa đổi 2020, Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 107 quy định việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:
Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng; Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này; Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt;
Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật; Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng; Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 3 ngày làm việc.
Ngoài ra, nếu công trình thuộc diện phải có giấy phép xây dựng thì phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng thì mới được bắt đầu thi công, kể cả phần móng.
Gamuda Land sẽ bị xử phạt thế nào?
Về việc xử phạt chủ đầu tư thi công chưa có giấy phép xây dựng, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết việc xử phạt hành vi này được quy định tại Điều 14 và 15 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Theo khoản 4 Điều 14 về vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình nêu rõ, trường hợp khởi công xây dựng mà chưa có giấy phép xây dựng theo quy định thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định này. Việc phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này; Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
“Ngoài ra việc bị phạt tiền thì còn có thể bị dừng thi công trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản để thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng, nếu quá thời hạn 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Cũng liên quan đến Khu chung cư A5 của dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao và Dân cư Tân Thắng, trước đó vào ngày 13/4, Gamuda Land đã bị xử phạt vì ký hợp đồng mua bán căn hộ khi chưa có văn bản của Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo khoản 4, điều 58 nghị định 16 năm 2022 của Chính phủ, UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt Gamuda Land 900 triệu đồng về hành vi huy động vốn không đúng quy định. Công ty này còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là phải hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục do công ty này tự chi trả.