Chiều cuối năm - những thời khắc cuối cùng chuẩn bị bước sang năm mới, nhiều gia đình vẫn có thói quen đun nước “dược liệu” để tắm gội. Không phải từ những thứ xa xỉ đó đều là các loại lá cây đơn giản, dân dã như: Bồ kết, mùi già, vỏ bưởi, lá bưởi, lá xả... Tắm nước lá cây chiều cuối năm là một tục lệ phổ biến, cũng là nét đẹp văn hóa được nhiều gia đình gìn giữ và duy trì đến ngày nay.
Đi qua những năm tháng xưa cũ, người ta có xu hướng hoài niệm mỗi dịp Tết đến Xuân về nhất là trong cuộc hiện đại ngày nay khi mọi thứ đã đủ đầy. Có người nhớ mùi của Tết đến cồn cào, nhớ mùi của lá dong, gạo nếp, mùi của hoa đào, quất cảnh... Với tôi, trong tất cả những điều để nhớ về Tết còn có thêm một thứ mùi đó là mùi thơm của bồ kết, của các loại lá cây hòa quyện cùng nhiều thứ khác trong nồi nước tắm bốc khói nghi ngút bên bếp lửa chiều cuối năm được đặt bên cạnh nồi bánh chưng.
Chị Dung cùng con chuẩn bị các loại lá cây để đun nước.
Mỗi độ cuối thu, bồ kết vào mùa thu hoạch, xách làn đi chợ quê, các bà, các mẹ ở vùng nông thôn, ai đấy đều chọn mua những chùm bồ kết tươi về tích trữ, cho bồ kết lên gác bếp, hong khô để không mối mọt là có thể cất dùng quanh năm. Mẹ tôi bảo bồ kết để xông nhà, bồ kết để gội đầu và cũng không biết tự bao giờ, ở đâu như huyện Lâm Thao quê tôi, nhiều gia đình vẫn có phong tục đun nước tắm ngày cuối năm từ bồ kết, cây mùi già và nhiều loại lá cây khác.
Làng tôi ở nằm ven bờ sông Hồng, nơi có những bãi bồi được phù sa bồi đắp sau mỗi mùa nước lên, ở đấy người dân vẫn thường “vỡ đất” trồng rau vào mùa nước cạn, nhất là vào khoảng cận Tết, những khoảnh đất nhỏ vẫn được dùng để giữ khóm mùi cho trổ hoa, già cây chờ đến chiều cuối năm mỗi nhà cắt một bó đem về rửa sạch đun nước tắm gội.
Giữ thói quen này qua nhiều năm, chị Nguyễn Kim Dung, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao chia sẻ: “Dù giờ đây cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, sữa tắm, dầu gội là các sản phẩm chăm sóc da, tóc được dùng hằng ngày thay thế cho các loại lá cây tự nhiên nhưng tôi vẫn tự tay nấu một nồi nước hỗn hợp từ các loại lá cây để dùng cho cả nhà vì muốn gìn giữ những điều xưa cũ, để các con thêm hiểu và yêu về văn hóa truyền thống của gia đình nói riêng và của làng quê nói chung”.
Cây mùi dùng để đun nước tắm là khi đã có hoa, thân cây sẫm màu.
Vì quả bồ kết có tính tẩy sạch, có bọt tương tự xà phòng tự nhiên. Bởi thế người xưa khi chưa có xà phòng như bây giờ thường dùng bồ kết để nấu nước gội đầu. Còn với cây mùi, ngoài việc là một loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, cây mùi già còn được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và tâm hồn, giúp xua đi những vận xui, mang lại may mắn và sự tinh khiết cho gia đình trong năm mới.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Có lẽ cũng bởi vậy mà những loại lá cây này khi hòa quyện đọng lại hương thơm rất lâu. Không chỉ là một phong tục lâu đời, việc tắm thứ lá cây này còn có tác dụng rất tốt về sức khỏe, lưu thông khí huyết.
Bồ kết, mùi già, vỏ bưởi, lá xả là những thứ không thể thiếu trong nồi nước tắm gội chiều cuối năm.
Những người cao tuổi trong làng luôn nói với con cháu rằng bồ kết, mùi già sẽ xua tan những điều không may của năm cũ và chào đón một năm mới. Mỗi người, được tắm gội bằng nồi nước lá với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Bồ kết, lá mùi... với hương vị đặc trưng của đồng đất quê hương còn nhắc nhở mỗi người về cội nguồn, về gốc rễ của mình, dù đi đâu, làm đâu vẫn nhớ trở về nhà sau một năm bôn ba, tất bật với cơm, áo, gạo, tiền để đón một cái Tết trọn vẹn, sum vầy bên những người thân yêu.
Vy An
Nguồn: https://baophutho.vn/thom-huong-bo-ket-226908.htm
Comment (0)