Chiều ngày 6/8, tại Hà Nội, các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn có vai trò bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng cao, đạt 5,18 triệu tấn và giá trị tăng đến 25,1% đạt (3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn. Cùng với sự phát triển về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là sự nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và bổ sung các khung pháp lý, các chính sách thúc đẩy sản xuất và kinh doanh lúa gạo của ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương trong suốt thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.
Trước bối cảnh này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Dự kiến, hội đồng sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, bảo đảm ổn định và phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần bảo đảm anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia; phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững thông qua nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất các Bộ, ngành ban hành việc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành; tổ chức khảo sát, nghiên cứu hệ thống sản xuất, kinh doanh ở trong nước và ngoài nước về ngành hàng lúa gạo.
Hội đồng cũng có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo; đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo...
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận xoay quanh nội dung báo cáo đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia; đồng thời đóng góp ý kiến đề xuất liên quan đến vấn đề này.
Điểm cầu tỉnh Thái Bình.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thái Bình nhất trí cao với đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia nhằm giúp Chính phủ và các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thị trường và thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Đối với Thái Bình, địa phương có diện tích gieo cấy lúa đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng, những năm qua, tỉnh luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều quy trình sản xuất lúa tiên tiến được ứng dụng rộng rãi, cơ giới hoá ngày càng được đẩy mạnh; năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đạt trên 130 tạ/ha/năm, nằm trong nhóm các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước. Để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hoá, thời gian tới, Thái Bình tập trung bổ sung các loại giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của tỉnh đáp ứng về năng suất, chất lượng, bảo đảm theo yêu cầu các phân khúc của thị trường trong và ngoài nước; rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế sản xuất lúa của từng địa phương, căn cứ vào nhu cầu thị trường để quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh việc tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất cũng như nâng cao tính dự báo, dự tính thị trường lúa gạo, nâng cao giá trị nông sản nhằm gia tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là rất cần thiết đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc phối hợp, điều phối hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Trên cơ sở các đề xuất, góp ý tại cuộc họp, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo đề xuất và các tài liệu liên quan trình Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-kinh-te/de-xuat-thanh-lap-hoi-dong-lua-gao-quoc-gia.html
Comment (0)