Lượng khách du lịch tàu biển toàn cầu vượt mức trước đại dịch, EU tăng nhập khẩu khí đốt Nga, Mỹ đang tiến gần hơn tới việc cắt giảm lãi suất, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, xuất khẩu ô tô Hàn Quốc lên mức cao mới… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Khối lượng khí đốt Nga xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia thuộc EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24%. (Nguồn: bne IntelliNews) |
Kinh tế thế giới
Lượng khách du lịch tàu biển toàn cầu vượt mức trước đại dịch
Ngành du lịch tàu biển toàn cầu ước tính lượng khách vào năm 2028 sẽ tăng thêm 10% so với mức 31,7 triệu lượt vào năm 2023, khi con số này vượt so với trước đại dịch Covid-19, nhưng một số lộ trình có thể bị ảnh hưởng do các cuộc biểu tình khi lượng khách quá tải.
Theo Giám đốc tại châu Âu của Hiệp hội quốc tế các hãng tàu du lịch (CLIA), Marie-Caroline Laurent, các hãng đã đặt hàng thêm 57 tàu để bổ sung cho khoảng 300 chiếc hiện đang hoạt động để đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, các hãng đang chuyển đổi các tàu để có thể sử dụng điện thay cho nhiên liệu hàng hải gây ô nhiễm lớn khi neo tại các cảng và sẵn sàng tuân thủ các quy định về môi trường biển của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030.
Tuy nhiên, khi nhu cầu tiếp tục tăng, các nhà điều hành tàu đối mặt với tranh cãi gia tăng về lượng du khách quá lớn đổ vào các thành phố cảng đông đúc của châu Âu như Barcelona của Tây Ban Nha, cảng du thuyền lớn nhất ở châu lục.
Theo các đại diện của CLIA, lượng khách sử dụng tàu du lịch chỉ chiếm 4% tổng lượng du khách đến thăm Barcelona.
Thị trưởng Barcelona, Jaume Collboni, cho biết chính quyền thành phố sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mới với cảng để giảm lượng khách trong một ngày.
Bà Laurent cho rằng, các cuộc biểu tình bạo lực có thể tác động đến các lịch trình trong tương lai.
Các hãng tàu có thể đẩy mạnh các lịch trình tại châu Á, Bắc Âu và Caribbean trong những năm tới cũng như hướng du khách tới các cảng khác ở Địa Trung Hải.
Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới nhận định, nguồn thu du lịch của Tây Ban Nha sẽ đạt gần 100 tỷ Euro (109 tỷ USD) trong năm nay, tăng 11% so với mức của năm 2019, thời điểm trước đại dịch.
Trong khi đó, các hãng tàu dự báo lượng khách đến xứ bò tót tăng 5% trong năm 2024, còn các nhà chức trách nước này dự kiến lượng du khách trong mùa Hè tăng 13%.
Mỹ
* Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này đang tiến gần hơn tới việc cắt giảm lãi suất, sau 3 tháng liên tiếp ghi nhận áp lực giá cả giảm.
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, ông Jerome Powell cho biết, các quan chức muốn nhìn thấy bằng chứng khẳng định lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững. Đồng thời, ông nói thêm rằng các quan chức sẽ không đợi lạm phát trở lại mức đó trước khi cắt giảm chi phí đi vay.
Mặc dù ông Powell không nêu cụ thể thời điểm cắt giảm lãi suất, nhưng ông cho biết nền kinh tế hiện đang ở trạng thái “cân bằng tốt hơn”.
* Ngân hàng Morgan Stanley ngày 16/7 công bố lợi nhuận quý II/2024 đã vượt kỳ vọng nhờ doanh thu từ ngân hàng đầu tư và giao dịch tăng vọt, vượt kết quả ảm đạm trong quản lý tài sản.
Ngân hàng này đã cùng với các ngân hàng khác trên Phố Wall, bao gồm Bank of America và JPMorgan báo cáo doanh thu ngân hàng đầu tư tăng do lòng tin của thị trường vào nền kinh tế Mỹ ngày càng tăng, thúc đẩy các công ty huy động thêm tiền và thực hiện các giao dịch.
Cổ phiếu của Morgan Stanley tăng gần 2%, đảo ngược mức giảm trước đó. Ngân hàng này đang trên đà đạt được mục tiêu biên lợi nhuận trước thuế 30% trong lĩnh vực kinh doanh tài sản, một mục tiêu hiệu quả chính.
Trung Quốc
* Theo nghiên cứu mới công bố của ngân hàng UBS Group, mức thuế mới 60% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ làm giảm hơn một nửa tốc độ tăng trưởng hằng năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dự báo này nhấn mạnh những rủi ro đối với Bắc Kinh nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Hồi đầu năm 2024, ông Trump được cho là đang xem xét mức thuế cố định 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, chính sách này sẽ cắt giảm tới 2,5 điểm phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm tiếp theo.
Trung Quốc đang tìm cách đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024, sau khi nền kinh tế tăng trưởng 5,2% vào năm 2023.
* Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 16/7, tổ chức tài chính này đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Theo báo cáo cập nhật, trong đầu năm nay, hoạt động kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới đã được tăng cường. Tăng trưởng xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ của khu vực này, đã tạo động lực cho tăng trưởng thương mại.
Châu Âu
* Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, nhu cầu tín dụng của các hộ gia đình ở khu vực đồng Euro (Eurozone) tăng lần đầu tiên sau hai năm khi họ lạc quan hơn về tình hình kinh tế và lãi suất giảm.
16% tổ chức cho vay được thăm dò trong khảo sát cho vay ngân hàng (BLS) của ECB đã báo cáo nhu cầu vay vốn từ các hộ gia đình tăng trong 3 tháng tính đến tháng 6/2024. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2022 và những người trả lời phỏng vấn dự kiến xu hướng sẽ tiếp diễn trong quý này.
* Ngày 17/7, Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) cho rằng, các mục tiêu của EU trong việc sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hydro xanh là “không thực tế và khó có thể đạt được”, bất chấp việc tài trợ hàng tỷ Euro.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra mục tiêu sản xuất tới 10 triệu tấn hydro tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu thêm 10 triệu tấn. Trong báo cáo, ECA cho biết những mục tiêu môi trường của EU đã bị chính trị hóa, đồng thời nhận định khả năng cao khối sẽ không đạt được những mục tiêu này.
* Hãng thông tấn Cộng hòa Czech (CTK) ngày 16/7 dẫn báo cáo tháng 7 của Tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia thuộc EU trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 24%.
Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2024 tổng cộng 80 tỷ m3 khí đốt tự nhiên đã được vận chuyển vào EU thông qua các hệ thống đường ống, hơn một nửa trong số đó là nhập khẩu từ Na Uy. Các nước xuất khẩu chủ yếu tiếp theo lần lượt là Algieria, Nga và Azerbaijan.
* Theo Ngân hàng trung ương Đức – Bundesbank, việc chống lạm phát cao là một thử thách về độ kiên nhẫn. Báo cáo công bố ngày 16/7 của Bundesbank cho hay: “Kể từ đầu năm 2024, nỗ lực chống lại lạm phát hầu như chỉ đạt được những thành công nhỏ. Đặc biệt, giá dịch vụ tăng vẫn là vấn đề kinh niên dai dẳng”.
Lạm phát chỉ giảm chậm. Tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát là 2,5% trong tháng 6, so với mức hơn 5% cách đây 1 năm, và hơn 10% cách đây 2 năm. Tuy nhiên, lạm phát khó có thể quay trở lại mức mục tiêu 2% của ECB trước mùa Thu năm 2025, nếu không muốn nói là muộn hơn.
* Caddie, nhà sản xuất xe đẩy siêu thị nổi tiếng của Pháp, sẽ chính thức phá sản sau khi không thể tìm được giải pháp mua lại khả thi. Caddie hiện có 110 nhân viên đang làm việc.
Sự phá sản của Caddie đánh dấu sự kết thúc của một biểu tượng trong ngành bán lẻ Pháp. Được thành lập vào năm 1962, Caddie đã trở thành nhà cung cấp xe đẩy siêu thị hàng đầu cho các chuỗi siêu thị lớn nhất nước Pháp, bao gồm Carrefour, Auchan và Leclerc. Tuy nhiên, công ty đã phải vật lộn với khó khăn tài chính trong những năm gần đây do sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà sản xuất giá rẻ và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Các phương tiện truyền thông Nhật Bản ngày 17/7 đã cáo buộc các công cụ tìm kiếm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của các ông lớn công nghệ Mỹ như Google và Microsoft có khả năng vi phạm bản quyền.
Theo đó, Hiệp hội các nhà xuất bản và Biên tập báo chí Nhật Bản kêu gọi các công ty vận hành các dịch vụ này phải xin phép các tổ chức tin tức vì kết quả tìm kiếm bằng AI thường giống với các bài báo được trích nguồn mà không được sự cho phép.
Hiệp hội này phân tích rằng các công cụ tìm kiếm AI đôi khi trả về những câu trả lời không chính xác do chúng sử dụng lại hoặc sửa đổi các bài báo không phù hợp. Đồng thời, Hiệp hội nhấn mạnh các công ty cần đảm bảo tính chính xác và tin cậy của dịch vụ trước khi ra mắt.
* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 17/7 đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế châu Á tháng 7 năm 2024, trong đó nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2024 lên 2,5%, cao hơn 0,3% so với mức 2,2% mà ADB đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, lý do ADB nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là vì lĩnh vực xuất khẩu đang duy trì được đà tăng trưởng vững, tập trung chủ yếu vào mặt hàng chip bán dẫn.
Như vậy, triển vọng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc mà ADB đưa ra lần này bằng với mức triển vọng của IMF và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), song thấp hơn mức 2,6% của chính phủ nước này, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) đưa ra.
* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 16/7 công bố số liệu chính thức cho thấy, xuất khẩu ô tô của nước này đã tăng lên mức cao mới trong nửa đầu năm 2024 giữa lúc nhu cầu các mẫu xe hybrid trên toàn cầu ngày càng tăng.
Tổng giá trị xuất khẩu ô tô đạt 37 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-6/2024, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng ô tô xuất khẩu đạt 1.467.196 chiếc, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Trong một thông báo, Bộ trên cho hay xuất khẩu ô tô hằng tháng của Hàn Quốc đã duy trì được hiệu suất mạnh mẽ, ở trên mức 6 tỷ USD kể từ tháng 11/2024, ngoại trừ tháng 2/2024 do có kỳ nghỉ lễ dài.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 16/7, Nội các Thái Lan đã thông qua chương trình cho vay ưu đãi đối với các ngân hàng thương mại trị giá 100 tỷ Baht (2,8 tỷ USD), nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.
Theo đó, Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ (GSB) thuộc sở hữu nhà nước sẽ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua các khoản vay với lãi suất là 0,01% để họ có thể cho các doanh nghiệp nhỏ vay với lãi suất không quá 3,5% trong vòng 3 năm, trong bối cảnh lãi suất cho vay lẻ giữa các ngân hàng Thái Lan hiện ở mức hơn 7%.
* Indonesia đang xem xét Chính sách hạn chế trợ cấp nhiên liệu, xăng và dầu.
Bên cạnh việc kích cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, có ý kiến cho rằng việc trợ giá nhiên liệu sẽ làm tăng sức mua, dẫn đến tăng mức tiêu thụ xăng, dầu và sẽ tác động xấu đến môi trường.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia, bà Mari Elka Pangestu, cho rằng, chính sách cải cách trợ cấp nhiên liệu của chính phủ không nên xét một cách riêng lẻ mà phải đặt trong bối cảnh rộng hơn, với mục tiêu và cách thức phân phối phù hợp. Lộ trình hướng tới mức trợ giá bằng 0 cũng cần được thực hiện theo từng giai đoạn, để tránh những ảnh hưởng lớn trong xã hội.
* Ngày 12/7, báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho hay, GDP trong quý II/2024 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng quý I/2024 được điều chỉnh cao hơn lên 3%.
Tốc độ tăng trưởng trong quý I/2024 là nhanh nhất kể từ mức tăng trưởng 4,2% trong quý III/2022 của Singapore.
Trên cơ sở theo quý và điều chỉnh theo mùa, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 0,4%, mức cao nhất kể từ quý II/2023 và cao hơn mức tăng 0,3% đã điều chỉnh trong quý I/2024. Tăng trưởng được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành sản xuất lên 0,5% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 1,7% trong quý I/2024.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-12-187-eu-van-chua-the-cai-nghien-khi-dot-nga-duc-kien-nhan-chong-choi-thu-thach-my-can-bang-tot-hon-279126.html