Después del Tet: precios de los alimentos estables

Việt NamViệt Nam06/02/2025


Sau Tết, nguồn hàng thực phẩm dồi dào, giá cả bình ổn.
Sau Tết, nguồn hàng thực phẩm dồi dào, giá cả bình ổn.

Sau Tết, các chợ, siêu thị và cửa hàng bán lẻ đã nhộn nhịp hoạt động trở lại với nguồn hàng hóa, thực phẩm phong phú. Tuy giá nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt so với thời điểm trước và trong Tết.


Nguồn cung dồi dào, giá ổn định


Những ngày sau Tết, nhu cầu mua sắm của người dân chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và đồ phục vụ thờ cúng. Tại các chợ, giá cả các mặt hàng duy trì ổn định hơn so với thời điểm trước và trong Tết, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.


Giá một số loại rau ăn lá, rau gia vị có xu hướng hạ nhiệt, trong đó có một số loại giảm giá mạnh như khổ qua từ 30.000 đ/kg còn 12.000-15.000 đ/kg; xà lách và rau thơm về giá 30.000 đ/kg; dưa leo 20.000 đ/kg; cà rốt 15.000 đ/kg giảm còn 10.000-13.000 đ/kg; cải ngọt, rau muống 10.000 đ/bó…

Theo cô Nguyễn Thị Tố Cầm- tiểu thương bán rau củ tại chợ Vĩnh Long: “Thông thường sau Tết, giá rau xanh tăng do nhu cầu ăn uống thanh đạm, ăn chay nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay giá rau chỉ tăng nhẹ từ 10-15% trong dịp Tết, còn sau Tết đã nhanh chóng ổn định trở lại nhờ nguồn cung dồi dào, tiểu thương tại chợ cũng nhập hàng, bày bán đầy đủ hơn”.


Sau Tết, giá trái cây bình ổn, cụ thể giá thanh long 40.000 đ/kg; bưởi da xanh giảm khoảng 10.000-20.000 đ/kg còn 40.000-50.000 đ/kg; vú sữa 50.000-60.000 đ/kg; quýt giảm từ 70.000-80.000 đ/kg còn 60.000 đ/kg; táo nhập khẩu dao động 70.000-80.000 đ/kg; xoài cát Hòa Lộc giảm từ 90.000-100.000 đ/kg còn 70.000-80.000 đ/kg…


Giá hoa tươi cũng giảm nhẹ, cụ thể hoa cúc mai và cúc cánh dài giảm 5.000 đ/bó còn 20.000 đ/bó, huệ nhỏ 80.000 đ/bó… Theo chị Trần Thị Kim Hương (xã An Bình, huyện Long Hồ): “Giá một số loại hoa chưng hiện đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng hoa kéo dài đến mùng 10 âl và rằm tháng Giêng nên một số ít vẫn giữ giá như trong Tết. Cụ thể, hoa đồng tiền hút hàng nên giá dao động 11.000-12.000 đ/bông; cát tường 80.000 đ/bó; hoa ly kép tăng từ 180.000 đ/bó lên 200.000 đ/bó”. 


Bên cạnh đó, giá trầu cau dùng để cúng lễ cũng giữ ở mức ổn định. Cô Huỳnh Ngọc Hương (Phường 1, TP Vĩnh Long), cho biết: “Hiện giá cau bán lẻ dao động từ 50.000-70.000 đ/chục (14 trái), cau đã tiêm sẵn có giá 10.000 đ/phần (3 quấn), còn lá trầu được bán với giá 10.000 đ/sấp. Sau mùa cưới kéo dài từ tháng 9-12 âl năm trước và mùa Tết, giá cau đã dần ổn định hơn, thương lái mua trực tiếp tại vườn với mức khoảng 50.000 đ/buồng (20 trái)”.


Sức mua chưa trở lại bình thường


Sau kỳ nghỉ Tết, dù người dân đã quay trở lại nhịp sống thường nhật, nhưng không khí mua sắm tại các chợ vẫn khá trầm lắng. Cô Lê Thị Ánh Tuyết- tiểu thương bán trái cây tại chợ Vĩnh Long, cho hay: “Vì nhà nào cũng còn trái cây chưng từ Tết. Phần lớn khách chỉ ghé ngang hỏi giá rồi đi. Hy vọng từ mùng 10 âl đến rằm tháng Giêng, khi có nhiều lễ cúng hơn, sức mua sẽ khởi sắc”. 


Không chỉ riêng mặt hàng trái cây, các quầy hàng thực phẩm tươi sống cũng tương tự. Thịt heo, cá, tôm bày bán đầy sạp nhưng người mua thưa vắng. Hiện chỉ có nạc đùi và ba rọi giữ giá cao từ 120.000-140.000 đ/kg, còn các loại thịt khác vẫn ở mức giá ổn định.

Cô Lê Thị Hồng- tiểu thương bán thịt ở chợ Vĩnh Long, cho hay: “Tôi bán thịt hơn 20 năm nhưng năm nay ế ẩm quá, giờ chủ yếu nhờ vào các mối quen giao cho nhà hàng, quán ăn. Sau Tết, nhiều gia đình vẫn còn trữ thực phẩm từ ngày Tết hoặc mang đồ ăn từ quê lên, nên sức mua chậm hơn 30% so với trong Tết. Ngay cả trong những ngày cao điểm Tết, tôi chỉ bán được 2-4 con heo, giảm gần chục con so với những năm trước. Trong khi đó, giá heo hơi vẫn neo cao, dao động từ 67.000-70.000 đ/kg, lợi nhuận ít. Thêm nữa, sự cạnh tranh từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi… khiến việc buôn bán càng khó khăn hơn”.


Cô Nguyễn Thị Diềng- bán tạp hóa trên đường Trần Phú (Phường 4, TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Giá các mặt hàng gia vị không thay đổi nhiều, nhưng sức mua lại giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong Tết, tôi chỉ nhập hàng vài chục triệu đồng, bán hết thì thôi, không dám lấy nhiều. Sau Tết, sức mua vẫn chậm, khách chỉ chọn mua những món đồ thiết yếu dùng hàng ngày như dầu ăn, nước mắm, mì gói...”.


Không khí mua bán đầu năm tại các chợ vẫn còn khá trầm lắng. Người dân chủ yếu chọn mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây. Điều đáng chú ý là so với thời điểm cận Tết, giá cả các mặt hàng hiện nay đã ổn định hơn. Đây cũng là điều khác biệt so với những năm trước, khi giá cả thường tăng và duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài sau Tết. 


Theo các ngành chức năng, trong thời gian tới, công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm bảo đảm ổn định thị trường. Đồng thời, triển khai, giám sát các biện pháp niêm yết giá để tránh tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo Cục Thống kê, tháng 1/2025 là thời điểm mua sắm sôi động nhất trong năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt ở các dịch vụ cưới hỏi, trang trí và sửa chữa nhà ở. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đều chuẩn bị nguồn hàng phong phú để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 6.989 tỷ đồng, tăng 15,77% so với tháng trước. Công tác quản lý giá được các ngành chức năng kiểm soát tốt. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao nên phần lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thủy hải sản tươi sống, đồ dùng gia đình, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình… có giá tăng khá so với tháng trước.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN



Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202502/sau-tet-gia-thuc-pham-on-dinh-d9509bb/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available