Preservando la tradición, mirando hacia el futuro

Việt NamViệt Nam09/02/2025


(QBĐT) - Quảng Bình, vùng đất nổi tiếng với thiên nhiên kỳ vĩ, còn lưu giữ những lễ hội mùa xuân đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh. Những lễ hội này là dịp tôn vinh tổ tiên, kết nối cộng đồng và bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ gìn sự nguyên bản trong bối cảnh hiện đại và hội nhập? Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội mùa xuân ở địa phương.

 

●. P.V: Các lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình có những nét đặc sắc gì, thưa ông? 

- Ông Mai Xuân Thành: So với các tỉnh, thành phía Bắc, hệ thống lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình có quy mô và số lượng khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, từ miền núi, đồng bằng đến vùng biển, mỗi địa phương ở tỉnh ta đều có những lễ hội mang dấu ấn riêng, phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh của các cộng đồng dân cư.

 

Một số lễ hội mùa xuân tiêu biểu đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách thập phương, như lễ hội chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy), lễ hội Núi Thần Đinh (Quảng Ninh), hay lễ hội Đập trống người Ma Coong (Bố Trạch), lễ hội Rằm tháng Ba (Minh Hóa), lễ hội Hoành Sơn Thánh Mẫu (Quảng Trạch)...

 

Đặc biệt, trong mùa xuân, các lễ hội làng cũng diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, như lễ hội làng Văn La (Quảng Ninh), làng Lộc Điền (Quảng Trạch), làng Tượng Sơn, Thổ Ngọa (Ba Đồn)... Trong dịp đầu xuân, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) và nhiều địa phương ven biển khác có lễ hội cầu ngư mang ý nghĩa cầu cho ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang...

Lễ hội cầu ngư xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).      Ảnh: Nguyễn Hải
Lễ hội cầu ngư xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ảnh: Nguyễn Hải

 

●. P.V: Theo ông, những lễ hội đó có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hóa cộng đồng?

- Ông Mai Xuân Thành: Lễ hội mùa xuân không chỉ là dịp tưởng nhớ, tri ân Thành hoàng làng, các vị thần linh, bậc tiền nhân có công khai canh lập ấp, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư ở các địa phương. Đây cũng là dịp để người dân gửi gắm mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

 

Quan trọng hơn, các lễ hội xuân đóng vai trò như một bảo tàng sống, là nơi thực hành, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ và tái hiện các giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Lễ hội cũng là cầu nối gắn kết cộng đồng làng xã, tạo sự cố kết bền chặt trong đời sống xã hội. Qua các nghi lễ, trò chơi dân gian và hoạt động cộng đồng, lễ hội góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, kết nối các thế hệ. Nếu không duy trì và tổ chức, chắc chắn những giá trị văn hóa truyền thống này sẽ dần mai một, làm mất đi một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa địa phương.

 

P.V: Vậy theo ông, cộng đồng địa phương đóng vai trò như thế nào trong việc tổ chức và tham gia các lễ hội mùa xuân? 

- Ông Mai Xuân Thành: Vai trò của cộng đồng trong lễ hội rất quan trọng.

 

Thứ nhất, họ là chủ thể sáng tạo và duy trì lễ hội, từ việc gìn giữ, trao truyền các nghi thức truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu không có sự tham gia của cộng đồng địa phương, lễ hội sẽ mất đi ý nghĩa và sức sống.

 

Thứ hai, cộng đồng địa phương là chủ thể thực hành và truyền cảm hứng. Chính những người dân địa phương với niềm tin, lòng tự hào và sự gắn kết với di sản văn hóa mới có thể giữ gìn được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của từng lễ hội.

 

Thứ ba, cộng đồng có vai trò góp phần điều chỉnh và loại bỏ những hủ tục trong lễ hội. Khi nhận thức được sự cần thiết của việc giữ gìn bản sắc văn hóa mà không bị biến tướng hay thương mại hóa, chính người dân sẽ chủ động thay đổi những tập quán không còn phù hợp.

 

Vì thế, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội là điều rất quan trọng.

Lễ hội khai hạ làng Tượng Sơn (TX. Ba Đồn).
Lễ hội khai hạ làng Tượng Sơn (TX. Ba Đồn).

 

●. P.V: Vậy đâu là thách thức lớn nhất khi bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình hiện nay?

- Ông Mai Xuân Thành: Một trong những vấn đề lớn nhất là sự biến tướng của lễ hội, khi một số nghi thức truyền thống bị giản lược hoặc thay đổi, làm mất đi giá trị nguyên bản, truyền thống. Ví dụ, tại lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, đồng bào Bru-Vân Kiều ít sử dụng trang phục truyền thống. Một số thủ tục trong phần lễ vẫn còn khá rườm rà, không gian thiêng của lễ hội đang bị thu hẹp dần do nhiều yếu tố khách quan... Điều này ảnh hưởng đến tính nguyên bản và các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.

 

Với các lễ hội ở đền, chùa, áp lực về số lượng người tham gia là một vấn đề lớn. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc dâng lễ, cầu cúng, đốt vàng mã quá mức cần thiết vẫn còn diễn ra, tạo nên hình ảnh chưa thực sự văn minh trong lễ hội. Ngoài ra, một thách thức khác là làm sao để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển lễ hội gắn với du lịch. Hiện nay, một số lễ hội có tiềm năng thu hút du khách nhưng nếu không có quy hoạch và định hướng rõ ràng, dễ dẫn đến thương mại hóa quá mức, làm mất đi các giá trị văn hóa nguyên bản. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào bảo tồn mà không có các giải pháp phù hợp để nâng cao sức hút của lễ hội, thì nguy cơ mai một là rất cao, nhất là đối với những lễ hội ít người tham gia hoặc đang bị mai một theo thời gian.

 

P.V: Với những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội mùa xuân, thời gian qua, Sở VHTT đã có những hoạt động nào để hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức và phát triển các lễ hội?

- Ông Mai Xuân Thành: Sở đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống. Đối với những lễ hội có giá trị văn hóa bị gián đoạn hoặc chưa được tổ chức thường xuyên, sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương khôi phục lại, bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với bản sắc vốn có. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa của lễ hội, sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị của các lễ hội. Đặc biệt, trong gần 10 năm trở lại đây, Sở VHTT đã phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa một số lễ hội, trong đó có một số lễ hội mùa xuân vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm khẳng định giá trị, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội.

 

Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ, khuyến khích các địa phương khai thác các giá trị của lễ hội gắn với phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách thập phương trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Sở sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các lễ hội mùa xuân nói riêng, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

 

●. P.V: Xin cảm ơn ông! 

Diệu Hương (thực hiện)



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/bao-ton-truyen-thong-huong-den-tuong-lai-2224253/

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available