Cầu vượt biển Thuận An - Một trong những điểm nhấn đặc biệt trên "cung đường mùa xuân". Ảnh:  Bảo châu 

Khoảng gần hai chục năm trước tôi ở trọ dưới xã Thủy Dương (nay đã lên phường), gần nhà máy Dệt. Từ ngày có cầu vượt Thủy Dương, thi thoảng tôi vẫn dừng lại trên cầu ngắm mây trời; có lần mưa lất phất tôi thấy cả cầu vồng giữa mùa thu đương rộ. Rồi những chiều hè, mây ở trên núi Ngự Bình tuyệt đẹp, tôi chụp nhiều bức ảnh đủ hình dạng mây bay đó như loài chim lạ bay về tìm một cây ngô đồng cổ thụ.

Qua cầu vượt đi thẳng và con đường này cuối tuần hễ có nắng là tôi lại chạy cho hết một vòng cung thú vị bậc nhất của thành phố. Thật ra với tôi thì vòng cung này cần tính từ ngã ba Minh Mạng cho đến điểm xuất phát của “tỉnh lộ” là cầu vượt Thủy Dương, một điểm rất tuyệt vào mỗi hừng đông hay chiều vàng xuống núi.

Để đi, tôi luôn dừng lại ở cầu vượt một lúc. Trên cầu nhìn xuống đường lộ từ Phú Bài ngược lên rất đẹp, có cả đường ray tàu hỏa cạnh bên, nắng sớm chiều làm ánh lên viền cong lấp lánh. Cây cầu cũng là một phần của cửa ngõ Huế hút tầm mắt du khách từ Đà Nẵng hay từ sân bay lên Huế. Cầu có đường viền tuyệt đẹp xuống đường lộ, ở đoạn cút bắt đó cũng đã được chỉnh trang để người dân đi bộ dạo mát mỗi sớm, mỗi tối. Thả một đường cong chạm Quốc lộ 1, rẽ trái là xuống Phú Bài, Phú Lộc hoặc xa hơn là Lăng Cô, Đà Nẵng; còn dưới cầu rẽ phải thì lên chợ An Cựu và trung tâm thành phố.

Từ cầu vượt đi một đoạn sẽ đến cầu Lợi Nông bắc qua sông Lợi Nông, con sông xưa vua cho đào làm lợi cho nông nghiệp. Tôi hay gọi con đường xuất phát từ cầu vượt là Tỉnh lộ 10, tuy chạy đến cầu Lợi Nông này tên đường vẫn Võ Văn Kiệt nối với đường Võ Chí Công; con đường rộng thênh mỗi bên, làn đường trồng dãy cây cọ dầu. Vài năm trước đường đang làm, tôi thấy lạ và vui thích, lần nào đi đầm Chuồn cũng xem mở thêm được bao xa, dò hỏi nó đến điểm cuối nào. Lúc hay tin sẽ dẫn tới đường xuống biển Thuận An, tôi vui lạ lùng, chỉ vì mùa hè thường xuống biển, đi Hải Dương, Quảng Công, Quảng Ngạn mà không phải vòng qua thành phố, qua cầu tấp nập người để rồi theo Quốc lộ 49; nay thì có đường rộng gần nhà thông thoáng.

Tỉnh lộ sau này sẽ thêm nhiều dự án lớn, mà hiện cũng có công trình đang thi công, nhiều tòa nhà bắt đầu “mần móng”, rồi cánh đồng sẽ thu hẹp hoặc biết đâu không còn, nhường chỗ cho sự hiện đại, cho khu dân cư cùng công trình phúc lợi của thành phố, đó là một tất yếu. Mùa nào đi trên tỉnh lộ này nhìn hai bên mênh mông bát ngát đều đẹp. Đẹp ở sắc trời, mây chiều quyến rũ, với cánh đồng mùa rơm rạ cháy loang ký ức; mùa đông nước mênh mông trắng xóa, xa xa đàn bò nối nhau gặm cỏ như trong một bức tranh mà lớp màu còn tươi rói. Chỉ lưu ý những người mua đất xây nhà, chắc ai cũng hiểu là cần làm móng thật cao, thậm chí sắm thuyền đi qua lũ lụt nữa. Dẫu vậy, sự thuận tiện của tỉnh lộ là có nhiều con đường hướng về thành phố hay đi rong ruổi đâu đó vào mỗi cuối tuần.

Mùa xuân hai bên lúa mạ bắt đầu lên xanh, cây cỏ ven đường bung hoa. Ai đó vào những chiều nắng dịu dần, mây bắt đầu chớm ngũ sắc, rất thú vị nếu dừng lại bên cầu Như Ý 1, cầu Như Ý 2 chụp những bức ảnh “như ý” với đàn cò kín ruộng, nhiều con đậu hồn nhiên trên lưng trâu. Mùa cày cấy tôi còn gặp những cánh cò trên máy cày dạn như với tay là bắt được.

Quãng tôi đang đứng nếu ai đó không rẽ phải về phía Ủy ban nhân dân tỉnh trên một con đường thênh thang; không rẽ về An Cựu city trên đường Hoàng Quốc Việt; thì có thể rẽ trái để vào làng Dạ Lê Chánh, với những di tích lịch sử đáng quan tâm. Chẳng hạn đó là Miếu Đôi, nơi từ xưa vẫn được cho là dân làng thờ nhà Tây Sơn. Cũng đã có một cuộc hội thảo thông qua việc khảo sát, nghiên cứu khá kỹ, dẫu đến giờ còn nhiều tồn nghi, nhất là nơi chôn cất, thờ tự linh cái của vua. Từ đây cũng khiến cho việc nghiên cứu về thời đại Tây Sơn được khơi dậy, tiếp nối, góp thêm những tư liệu quý cho di sản. Và, việc dân làng thờ nhà Tây Sơn, thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, thiết nghĩ đó là điều nhân nghĩa trân trọng.

Đến một ngã tư, là dấu mốc quan trọng với “tỉnh lộ”, rẽ phải sẽ về Phú Đa (cách 12km). Ngay bên cạnh có con đường nhỏ gần như song song với tỉnh lộ, dẫn về đầm Chuồn, nơi du lịch tuyệt vời vào mùa hè. Tôi đi con đường nhỏ hẹp đó nhiều lần, qua đồng ruộng và vùng trũng nước nên “phát hiện” ra tỉnh lộ lúc bên thi công mới sơ khởi ủi mặt bằng. Từ ngã tư này mà thẳng 4km nữa sẽ là Quốc lộ 49B, nên Tỉnh lộ 10A với tên đường Võ Văn Kiệt nối với Võ Chí Công sẽ hết. Nhưng trước lúc đến Quốc lộ 49B, cách khoảng 1km là có đường Phạm Văn Đồng rẽ về chợ Mai khá rộng, chợ giáp đường 49A, đó cũng chính là đường về Thuận An, nó gặp với Tỉnh lộ 10 này ở một ngã tư khác dưới đây.

Chốt cung đường Tỉnh lộ 10 ở điểm nó giao với Quốc lộ 49B làm một ngã tư; rẽ phải 4km là về Thuận An; rẽ trái (ngược Quốc lộ 49B là về chợ Nọ (cách 3km). Còn nếu cứ thẳng đường thì sẽ đến cầu Thảo Long; qua cầu Tam Giang nữa đi tiếp là xuống Cồn Tè, rồi Rú Chá, những điểm du lịch ngập mặn nổi tiếng cả nước về vẻ đẹp của rừng chá đổ vàng vào thu, mùa đông thì cành chuyển xanh xám, đẹp quyến rũ. Còn không, ta sẽ từ cầu Diên Trường rẽ trái để về làng hoa Phú Mậu, một nơi mà mùa xuân không thể bỏ qua; hoặc theo con đường về phố cổ Bao Vinh, tìm đến nơi sản xuất ông Táo trên đất Địa Linh.

Đây là lúc chúng ta đã “dông” xe gần một vòng để trở về thành phố Huế. Một cung đường mùa xuân tuyệt đẹp.

Nhụy Nguyên