This salty taste reminds me of the past.

Việt NamViệt Nam01/02/2025


Cha tôi thường hát: “Mặn này nhớ nhạt ngày xưa/Nắng này để nhớ lúc mưa trơn đường” để nhắc con cháu không bao giờ được quên Ất Tỵ này vừa tròn 80 năm nạn đói khủng khiếp Ất Dậu năm 1945, cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào ta. Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cường thịnh, dân giàu, nước mạnh, nhắc lại câu chuyện đau lòng xưa để thêm tự hào về hôm nay…

Chiều 20/8/1945, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh lớn. Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Chiều 20/8/1945, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh lớn. Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.

Những năm làm công tác báo chí, chúng tôi tiếp cận nhiều nhà văn hoá lớn của đất nước. Cố giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo (1917-2017) là một người trong số đó. Trong một lần tới nhà ông tại khu chung cư Kim Liên đặt bài, tôi được Giáo sư kể về công việc khó khăn đang làm, đó là phối hợp với Giáo sư Sử học Furuta Moto của Trường Đại học Tokyo Nhật Bản biên soạn một cuốn sách về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Ông bảo: “Thị xã Thái Nguyên, tỉnh Bắc Giang hay Quảng Trị, Thái Bình là những địa chỉ nghiên cứu”. Tôi đã được tiếp ông và cộng sự đôi lần. Năm 2011, sách hoàn thành, tôi được tặng một cuốn. Cuốn sách quý, có tên “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử dày 750 trang, do Viện Sử học ấn hành…

Trong cái mạch đi tìm hiểu và viết, chúng tôi nghĩ đây dứt khoát là một ký ức, ký ức buồn của một thời nô lệ đau thương cần được nhắc nhớ… Một lẽ nữa là cần phải biết nơi chúng ta đang sống rất phong lưu, khá giả hôm nay, từng có những năm tháng đau thương nhói lòng như thế. Cũng là để chúng ta thấy trân quý cuộc sống hôm nay, tự hào và luôn nghĩ về trách nhiệm công dân giữ gìn cuộc sống tốt đẹp này.

Sự việc diễn ra đã 8 thập niên, tư liệu để viết bài ngoài cuốn sách giáo sư Văn Tạo tặng, tôi trông cậy vào những câu chuyện ông bà, bố mẹ kể; vào hậu duệ của những người dân từng có mặt, là nạn nhân của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu ấy.

Ở bình diện cả nước, thống kê trong cuốn sách cũng cho thấy chỉ mấy tháng cuối năm 1944 và đầu năm 1945, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân Việt Nam. Đói từ Quảng Trị ra đến hầu hết các tỉnh miền Bắc, đồng bằng nặng nề hơn miền núi.

Nguyên nhân nạn đói là do chính sách vơ vét lương thực, bắt dân bỏ lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật, sự bất lực của chính quyền bảo hộ là Pháp và triều đình bù nhìn. Đơn cử, thị xã Thái Nguyên những năm 1940 là nơi đồng bào miền xuôi, theo đường 3 mà lên kiếm việc, chạy đói, hy vọng dựa vào núi rừng để sinh tồn.

Số người sống vô gia cư hoặc kéo lê tấm thân tàn đến đây rồi chết vô địa táng cũng cả nghìn người. Đất trũng, thùng đấu, bãi hoang trong thị xã là nơi người khoẻ gom xác mà đổ xuống. Người ta đặt tên cho những nơi đó là Âm Hồn, Gò Mả, Bóng Tối…

Những năm 2000, từ những tư liệu có được, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Văn Tạo, Furuta Moto đã dừng tại một số điểm: Từ năm 1919, mọi người dân ở Bắc Giang (kể cả nội đinh và ngoại đinh cũng như các tầng lớp cư dân kẻ chợ) phải đóng 2,5 đồng. Năm 1933, tỉnh Bắc Giang có 68.093 suất đinh, với số tiền phải nộp là 195.216,23 đồng, bình quân 2,86 đồng một suất.

Những mùa vàng no ấm hôm nay.
Những mùa vàng no ấm hôm nay.

Sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch, thiên tai lũ lụt làm cho đời sống của người dân vô cùng cực khổ, phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi tha phương cầu thực. Toàn quyền Đông Dương ĐơLanétxăng khi đi qua Bắc Giang cũng phải thú nhận: "... Chính mắt tôi trông thấy trên con đường Phủ Lạng Thương nhiều làng xã tan tác và những di tích của những đồng ruộng mênh mông bị bỏ hoang thành ao vũng".

Từ khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta phải chịu cảnh "một cổ hai tròng". Để phục vụ cho chiến tranh, phát xít Nhật bắt dân ta phải nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu, thẳng tay vơ vét thóc gạo phục vụ cho chiến tranh. Từ năm 1940, phát xít Nhật đặt ra một loại thu mới là đảm phụ quốc phòng. Năm 1940 mức đóng đảm phụ quốc phòng là 6%, năm 1942 là 8%, năm 1943 tăng lên 58% và năm 1944 là 158%.

Với những chính sách dã man, thâm độc trên đây, phát xít Nhật và thực dân Pháp đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm hơn hai triệu người chết, trong đó tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn người, chỉ riêng huyện miền núi Sơn Động cũng đã 500 người chết đói. Tháng 7-1944, Thái Nguyên, Bắc Giang bị trận lũ lớn, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam thì ngập lụt, lúa màu bị thiệt hại nặng nề. Mùa đông năm ấy lại rét đậm làm mất mùa vụ chiêm năm 1945.

Số lớn diện tích là đất màu ở các tỉnh thì bị chính quyền bắt nhổ lúa để trồng đay, trưng mua lương thực giá rẻ mạt phục vụ quân đội Nhật. Tháng 2-1945, Pháp lại đưa lên trung du hơn 3.000 quân và khoảng 30% là dân miền xuôi lên làm phu đồn điền khiến giá lương thực tăng vọt.

Cũng trước Cách mạng Tháng Tám, ruộng đất canh tác của các tỉnh phần đa nằm trong tay mấy chục địa chủ người Âu và hơn 100 địa chủ người Việt (36.500ha). Đại bộ phận nông dân vùng trung du là tá điền, ăn bữa nay lo bữa mai. Họ nghèo đến cùng cực. Đến đầu tháng 3-1945 thì hầu như xóm nào cũng có người chết. Theo một số nhân chứng thì nhiều trường hợp chết đói thật thê thảm.

Vốn là địa phương ảnh hưởng sâu sắc từ Cuộc vận động dân chủ (1936-1939), lại có sự động viên của Mặt trận Việt Minh từ chiến khu dội về, nhân dân vùng trung du tập hợp nhau lại đi vận động cơm gạo cấp đỡ cho đồng bào. Nhưng mỗi ngày cũng chỉ được vài trăm nắm cơm nhỏ, không cứu được người kiệt quệ trong đói khát.

Nạn đói chững lại ở cuối tháng 3-1945 khi dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, chính quyền từ xã lên huyện đã về tay nhân dân. Các kho thóc của Nhật ở khắp nơi bị nhân dân phá, chia cứu đói. Giáo sư Văn Tạo khẳng định: Tội ác của đế quốc thực dân gây nên cho nhân dân ta là vô cùng lớn. Họ cũng đã có lời xin lỗi về những gì họ gây ra.

80 năm đã trôi qua, các địa phương bị nạn đói hoành hành khi xưa nay đã ấm no, sung túc. Ôn lại một sự kiện bi thương là nạn đói năm Ất Dậu 1945 diễn ra trên mảnh đất Việt Nam là để chúng ta biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cuộc sống ấm no; biết yêu cuộc sống và bảo vệ, vun đắp cho cuộc sống tươi đẹp hơn.



Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202501/man-nay-nho-nhat-ngay-xua-1460423/

Comment (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available