Theo đó, Chính phủ phê duyệt chủ trương dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09 trên cơ sở Tờ trình số 154 ngày 19.7.2023 của Bộ Tài chính.
Trước đó, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, mức độ lây lan nhanh và rộng nên học sinh, sinh viên phải tiếp tục học trực tuyến, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09 ngày 4.4.2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Điều kiện chung để được vay vốn là học sinh đang theo học các cấp tiểu học, THCS và THPT và học sinh, sinh viên đang học tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thuộc một trong các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật, hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch Covid-19).
Đồng thời, những học sinh, sinh viên này không có máy tính thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
Mức vốn cho vay tối đa là 10 triệu đồng, với lãi suất 1,2%/năm, được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đáp ứng yêu cầu học trực tuyến gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, webcam, microphone. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.
Theo Bộ Tài chính, chương trình tín dụng theo quyết định này đã hỗ trợ hơn 80.000 học sinh, sinh viên có đủ điều kiện tiếp tục học tập trực tuyến khi bị mắc Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, đồng thời hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập hiệu quả trong môi trường lớp học đang dần được công nghệ hóa, số hóa… Tuy nhiên, đến nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát và các trường đều đã tổ chức học trực tiếp.
Bên cạnh đó, sau khi rà soát nhu cầu vay vốn thực tế của chương trình tín dụng theo Quyết định số 09, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết kết quả là chỉ có 14/63 tỉnh, thành phố tổng hợp còn nhu cầu vay vốn với số tiền 94 tỉ đồng, đến nay ngân hàng này cũng đã giải ngân hết số tiền trên.
Vì vậy, để phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay, việc ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 09 là cần thiết.