Đám cưới của Hoàng tử Abdul Mateen, con trai thứ tư của Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah và công nương Anisha Rosnah, cháu gái Cố vấn đặc biệt của Quốc vương, diễn ra từ ngày 7-16/1 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam.
Đám cưới Hoàng gia được tổ chức trọng thể tại Cung điện Istana Nurul Iman. (Nguồn: Getty Images) |
Đám cưới là một trong những sự kiện được mong đợi và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất tại quốc gia Hồi giáo tươi đẹp trên đảo Borneo. Đây cũng là sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người tham dự về quy mô, công tác tổ chức cũng như các giá trị văn hóa Brunei được kết tinh.
Đám cưới Hoàng gia tổ chức trọng thể với sự tham dự của khoảng 5.000 khách mời, trong đó có lãnh đạo cấp cao và thành viên Hoàng gia một số quốc gia Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, đặc biệt có sự tham dự của Quốc vương Malaysia, Quốc vương Bhutan, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Singapore… Các hoạt động chính diễn ra tại cung điện Istana Nurul Iman và Nhà thờ Omar Ali Saifuddien Mosque, một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất châu Á và là địa điểm tham quan hàng đầu Brunei.
Đoàn ngoại giao được mời tham dự nhiều hoạt động trong khuôn khổ đám cưới Hoàng gia và cảm nhận sâu sắc về các giá trị văn hóa của quốc gia Hồi giáo Brunei, bao gồm các giá trị tín ngưỡng Hồi giáo truyền thống và những điểm tương đồng với văn hóa các nước Đông Nam Á, trong đó có văn hóa Việt Nam.
Trong văn hóa Việt Nam và Brunei, đám cưới truyền thống là một trong những nghi lễ văn hóa được quan tâm nhất, phản ánh tầm quan trọng của các giá trị văn hóa – gia đình và sự giữ gìn văn hóa truyền thống tại hai quốc gia. Đám cưới truyền thống tại Brunei thường có các hoạt động chính: merisik (dạm ngõ), bertunang (đính hôn), menghantar berian (trao quà cưới), malam berjaga-jaga (bắt đầu các nghi thức), berbadak-badak mandi (trát phấn), majlis berpacar (tụ họp gia đình và người thân), nikah (trước lễ thành hôn), mandi belangir (rải hoa), bersanding (lễ thành hôn và tiệc chiêu đãi), berambil-ambilan (tiệc kết thúc đám cưới) và balik tiga hari (lại mặt).
Các thành viên Hoàng gia Brunei tại đám cưới Hoàng tử Mateen. (Ảnh: TGCC) |
Các nghi lễ trong đám cưới Hoàng gia cơ bản được tiến hành theo hướng dẫn bởi kinh Quran và phong tục Brunei, riêng berbadak-badak mandi (lễ trát phấn) dường như chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Người thực hiện nghi lễ dùng một ngón tay để trộn các loại bột màu, gồm màu vàng, trắng, xanh dương, hồng, cam, xanh lá cây và tím (tượng trưng cho thế giới con người và mọi sinh vật, được tạo thành từ bảy tầng đất và bảy tầng trời) để tạo thành hỗn hợp phấn màu tô điểm cho cô dâu và chú rể như một lời chúc cho hôn nhân hạnh phúc và may mắn.
Bersanding (lễ thành hôn) là nghi thức quan trọng nhất, được cử hành trang trọng tại Cung điện Hoàng gia với sự chứng kiến của Quốc vương, thành viên Hoàng gia Brunei, Chính phủ Brunei và quan khách và bạn bè quốc tế cùng với 17 phát đại bác chào mừng. Tại sự kiện, Quốc vương Hassanal Bolkiah, vị quân chủ tối cao của Brunei và người đứng đầu gia đình Hoàng gia, là người đầu tiên chúc phúc cho Hoàng tử Mateen và Công nương Anisha.
Đoàn xe chở Hoàng tử Mateen và Công nương Ashina diễu hành trên phố. (Nguồn: Instagram) |
Đám rước Hoàng tử Mateen và Công nương Anisha kéo dài gần hai giờ ngay sau lễ thành hôn thu hút sự quan tâm lớn của người dân Brunei, du khách và báo chí khu vực và quốc tế.
Các khách sạn lớn tại Brunei đều kín chỗ trong thời gian sự kiện. Nhiều người dậy từ rất sớm để kịp chọn cho mình vị trí tốt để chứng kiến đám rước. Một vài vị Đại sứ tại Brunei cho biết, con em họ đăng ký làm tình nguyện viên phục vụ sự kiện đã có mặt tại địa điểm diễu hành từ 5h sáng, phấn khởi được đóng góp vào công tác tổ chức đám cưới Hoàng gia Brunei.
Phu nhân Lê Thị Hồng Ngoan (ngoài cùng, bên trái) cùng Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema tại sự kiện. (Ảnh: TGCC) |
Tại sự kiện, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều vị quan khách các nước, đặc biệt rất may mắn và cảm kích được chứng kiến những tình cảm tốt đẹp của các vị lãnh đạo cấp cao các nước đối với Việt Nam, trong đó có Quốc vương Malaysia Abdullah, Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck cùng nhiều vị đại diện Chính phủ và Hoàng gia của Brunei và các nước.
Đối với Hoàng gia và Chính phủ Brunei, đám cưới Hoàng gia là điểm nhấn khởi đầu thành công cho năm mới 2024 với nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm kỷ niệm 40 năm Brunei chính thức tuyên bố là quốc gia độc lập nằm trong khối Liên hiệp Anh và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Brunei và nhiều nước đối tác.
Đối với chúng tôi, những người Việt Nam tham dự sự kiện, bên cạnh dấu ấn về quy mô, công tác tổ chức chu đáo và trọng thị, còn là những ấn tượng sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn các giá trị văn hóa và gia đình truyền thống trong xã hội Brunei đang trên đường hiện đại hóa.
Đây là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa Brunei, cũng là điểm tương đồng giữa văn hóa Brunei và Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa Chính phủ và người dân hai nước thời gian tới.
(*) Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Brunei Darussalam