Mới đây, Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng TP.Hà Nội đề nghị Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (Công ty nước sạch Hà Đông) cung cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà (thuộc địa bàn Q.Hà Đông và H.Thanh Oai, Hà Nội).
Trong văn bản, Cienco5 cho biết trước đây, đơn vị cung cấp và vận hành, quản lý việc cấp nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà là Công ty nước sạch Hà Đông.
Từ năm 2018, UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty CP nước sạch Thanh Hà cung cấp nước cho khu đô thị này bằng nguồn nước sản xuất tại trạm xử lý nước sạch Thanh Hà.
Tuy nhiên, cuối năm 2023, nguồn nước ngầm của trạm xử lý nước sạch Thanh Hà “không đảm bảo chất lượng” nên đã dừng cấp cho khu đô thị Thanh Hà. Nguồn nước còn lại cung cấp cho khu đô thị này là nước sạch sông Đuống do Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội mua từ công ty khác. Trong khi đó, từ ngày 25.3, hợp đồng cung cấp nước sạch của Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội không tiếp tục được gia hạn nên không còn nước sạch để cung cấp cho khu đô thị Thanh Hà.
Cienco5 cho biết thêm, hiện khu đô thị chỉ còn một nguồn cấp nước duy nhất từ Công ty nước sạch Hà Đông. Vì vậy, để đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho cư dân, Cienco5 đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TP.Hà Nội giao nhiệm vụ cho Công ty nước sạch Hà Đông tiếp nhận, quản lý, đầu tư, cung cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà kể từ ngày 25.3.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã tiếp nhận được kiến nghị của Cienco5. “Ngay trong tuần này, đại diện Sở Xây dựng sẽ họp, làm việc với Cienco5 và các đơn vị liên quan để thống nhất đơn vị cung cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà”, vị cán bộ cho biết thêm.
Khu đô thị Thanh Hà có khoảng 16.000 cư dân đang sinh sống ở 23 tòa nhà. Trong năm 2023, cuộc sống của cư dân ở khu đô thị này nhiều lần bị đảo lộn do nguồn cung cấp nước sạch bị thiếu hụt.
Đỉnh điểm, vào tháng 10.2023, rất đông cư dân ở khu đô thị đồng loạt bị cay mắt, khó thở, mẩn ngứa nghi do dùng nước sạch do Công ty CP nước sạch Thanh Hà cung cấp. Kết quả xét nghiệm mẫu nước do người dân đem đi xét nghiệm thể hiện, hàm lượng amoni trong nước là 11,46 mg/lít, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Giải đáp kiến nghị của cư dân, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà, cho biết lưu lượng nước từ các đơn vị khác cung cấp không đủ dùng nên công ty đã đứng ra cấp bù. Nguồn nước cấp bù được lấy từ nguồn nước ngầm tại chỗ. Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh về chất lượng.
Cơn khủng hoảng nước sạch của 16.000 cư dân khu đô thị Thanh Hà đã kéo dài nhiều tuần sau đó. Thậm chí, trước thực trạng hàng nghìn cư dân “khát nước sạch”, nhiều nhà hảo tâm đã bỏ tiền mua nước rồi thuê xe bồn chở đến sảnh các tòa chung cư cung cấp miễn phí cho người dân.
Vụ việc này đã khiến Bí thư Thành ủy Hà Nội phải “xắn tay” chỉ đạo. Và, sự khốn khổ của hàng nghìn cư dân vì thiếu nước sạch sinh hoạt dần biến mất khi Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu phía Công ty nước sạch Hà Đông phối hợp với các đơn vị liên quan điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà.