Là cơ sở tín ngưỡng và hội quán liên kết cộng đồng của người Việt gốc Hoa, được công nhận di tích văn hóa lịch sử quốc gia, chùa Kiến An Cung từ đầu năm đến nay thu hút 7.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Kiến trúc độc đáo
Dẫn PV Báo Giao thông tham quan chùa Kiến An Cung tọa lạc đường Phan Bội Châu, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Phan Thoại Trọng, Quản lý cơ sở tín ngưỡng này cho biết, chùa Ông Quách (chùa Kiến An Cung) được khởi công năm 1924 và hoàn thành năm 1927.
Kiến An Cung được xây cất theo kiến trúc hình chữ công, gồm 3 gian: đông lang, tây lang và khu chánh điện, giữa có sân thiên tĩnh. Bộ giàn trò ngôi chùa không sử dụng kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng chịu lực và bộ trính chồng 3 lớp kiềng vào cột cái khá vững chãi.
Một trong những đặc trưng kiến trúc của hội quán người Hoa gốc Phúc Kiến là mái hình thuyền, với hai đầu đao cong vút, tạo nên nét đẹp vừa cổ kính, vừa thanh thoát.
Mái ngói Kiến An Cung được lợp 3 lớp, lớp ngói trên cùng chạy thành những đường sóng lượn. Từ nóc xuống mái là những ngọn sóng cong vút, trên đầu ngọn sóng đắp những mô hình cung điện nhiều tầng thu nhỏ, cùng với những bức tượng bằng gốm sứ.
Giữa nóc mái gắn tác phẩm gốm như rồng chầu nguyệt, cá hóa long… và một số hoa văn trang trí bằng kỹ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ chạy theo viền đường cong của mái ngói. Cuối mái tạo hình ống gắn ngói lưu ly.
Hệ thống khung bao chạm hoa lá, chim trĩ, chữ song hỷ gắn dưới vòm mái nối vào tường vách, đầu cột. Trên mỗi đầu cột có các tác phẩm tạo hình như một cái lồng đèn chạm lọng hoa cúc, chim trĩ…
Kiến An Cung có hai lối vào chính và phụ. Trước cửa chánh điện đặt linh vật trấn môn, đó là cặp kỳ lân bằng đá xanh to lớn, oai phong trên bệ đá chạm khắc rất sinh động.
Cửa vào gian chính không gắn hoành phi như thường thấy ở các cơ sở tín ngưỡng mà là một tấm biển dựng đứng, thiết kế như mô hình khánh thờ, chạm trổ rất tinh xảo và ai bên có cặp rồng chạm nổi, chậu hoa.
Ngoài ra, khu vực này còn có các bức tranh vẽ theo lối thủy mặc, với các đề tài hoa lá, cảnh sinh hoạt của tầng lớp quan lại Trung Quốc ngày xưa, có lẽ để hoài niệm cố hương.
Người Hoa có quan niệm màu đỏ đem lại sự thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc nên từ trong ra ngoài, từ cây đố cửa, khung viền liễn đối, bao lam và bộ giàn trò gỗ trong gian chính… đều màu đỏ.
“Đặc biệt, dưới dạ trính được gắn bao lam chạm lọng tại chỗ giao nhau giữa cột và trính tạo thành bộ khung viền mỹ thuật độc đáo.
Lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1990″, ông Trọng cho biết thêm.
Điểm đến của du khách
Khác với người Hoa gốc Quảng Đông thường thờ Quan Công, cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến sùng kính Ông Quách hơn. Bởi, ông Quách là người gốc ở An Khê, Phúc Kiến, điển hình cho ý chí nghị lực, tấm lòng bao dung…
Ông Quách được triều đình phong kiến Trung Hoa phong tặng Ứng linh Uy hầu và là một vị thần tương tự như thần Thành hoàng bổn cảnh ở nước ta, với danh hiệu Bảo an Quảng trạch tôn vương.
Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này là việc thờ cúng chỉ tập trung vào những vị thần quê hương tỉnh Phúc Kiến. Cụ thể, gian chánh điện Kiến An Cung có 3 khu vực, đặt 3 khánh thờ lớn.
Vị thần chính Quảng trạch tôn vương được thờ ở gian giữa. Tượng thờ được đặt trong một cái khánh, trên có tấm biển ghi Quách Thành Vương. Khánh thờ được chế tác công phu với 3 lớp bao lam chạm lọng, 2 trụ ngoài đắp rồng nổi, thếp vàng. Bao lam trên cùng uốn lượn hình trái tim, chạm hoa lá.
Tượng Ông Quách sơn mặt đỏ, tay nâng đai ngọc đặt bên trong cùng các vị thần hầu cận hai bên cầm ấn kiếm. Bên phải là khánh thờ Bảo Sanh đại đế cũng uy nghi không kém.
Bảo Sanh đại đế (tục gọi ông Lào Yía) là vị thần quê ở thôn Bạch Hùng, Long Hải, Phúc Kiến. Nhiều ngôi miếu của người Hoa vị thần này có 2 vị tùng tự là Phước Đức chính thần và Thiên Hậu Thánh mẫu.
Bên trái là khánh thờ Thanh Thủy đại sư, một pháp sư, anh hùng chống nhà Nguyên cuối triều Tống có tên là Trần Chiếu Ứng, quê quán cũng ở Phúc Kiến.
Phía trước các khánh tam vị kể trên là bàn hội đồng thờ Huyền Thiên thượng đế và Quan Thánh đế quân. Ở đây cũng được bố trí nghi trượng, cặp hạc đứng chầu và giàn lỗ bộ hai bên tương tự đền miếu của người Việt.
“Cũng chính những điều đặc biệt như thế nên mỗi khi có dịp ghé qua thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là tôi đến chùa Kiến An Cung thắp nén nhang để cầu mong gia đình bình an, mạnh khỏe”, bà Huỳnh Thị Phượng (55 tuổi, ngụ TP.HCM) nói.
Bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) thông tin, Chùa Kiến An Cung là một trong hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và thuộc các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần với lần gần nhất là vào năm 2022, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá chùa Kiến An Cung, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch gắn với hình ảnh con người, văn hoá con người Đồng Tháp đến với khách du lịch.
“Ngoài ra, thành phố Sa Đéc cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu triển khai áp dụng thực hiện số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa Đình làng và Nhà cổ tiêu biểu bằng những bài thuyết minh, những câu chuyện… mang đậm nét văn hóa truyền thống bản địa, tạo ra sản phẩm riêng có đưa vào phục vụ các tour, tuyến góp phần phát triển du lịch”, bà Bình cho biết.
Mỗi năm, chùa Kiến An Cung có 2 lần lễ hội diễn ra vào ngày 22/8 âm lịch cúng Quách Vương thành đạo và ngày 22/2 âm lịch là vía. Trong các ngày này, khách thập phương đến cúng bái đông đúc, không phân biệt người Hoa hay người Việt.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/doc-dao-kien-an-cung-192241212125147505.htm