Sau suy thoái, nền kinh tế Đức dự kiến sẽ phục hồi trong những tháng tới, với điểm sáng là lạm phát giảm xuống 3% so với cùng kỳ vào tháng 10, dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố hôm 30/10 cho thấy.
Theo Destatis, áp lực giá ở Đức đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 6/2021, gây bất ngờ cho các nhà kinh tế. Con số họ dự đoán là 3,3%. Bloomberg Economics dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,8% vào tháng 11.
Trong quý III/2023, nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã giảm 0,1% so với quý trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng sự phục hồi sẽ sớm bắt đầu.
“Nền kinh tế Đức đã chạm đáy vào mùa hè, và bắt đầu từ mùa thu, mọi thứ sẽ dần dần khởi sắc trở lại”, ông Timo Wollmershäuser, người đứng đầu bộ phận dự báo kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, cho biết trong một tuyên bố.
Nhận xét của ông Wollmershäuser dựa trên một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp do Ifo thực hiện, cho thấy tâm lý kinh doanh đã tích cực hơn so với những tháng trước.
“Đặc biệt, triển vọng trong những tháng tới đã sáng sủa hơn, nhưng các công ty cũng đang đánh giá tình hình hiện tại của họ có phần tốt hơn”, ông Wollmershäuser nói.
Trong khi đó, lạm phát, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng đã cân đối của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã giảm xuống 3% so với cùng kỳ vào tháng 10 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là giá cả các mặt hàng như năng lượng – vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và cuộc chiến ở Ukraine – dự kiến sẽ còn giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, vẫn cao hơn và ở mức 4,3% trong tháng 10.
Viện Ifo cho biết, điều quan trọng là khi các ngành định hướng xuất khẩu có thể chuyển chi phí sản xuất cao hơn sang khách hàng ở nước ngoài, tiền lương có thể tăng nhanh hơn giá cả, thúc đẩy tiêu dùng tư nhân.
Tuy nhiên, các đại diện doanh nghiệp có phần thận trọng hơn. Ví dụ, ông Martin Wansleben thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) nói rằng “không có dấu hiệu nào có thể thấy trước về việc sự phục hồi có thể tự tiếp diễn”.
“Sự thất vọng ở các công ty là rất lớn. Luôn có những quy định mới cho các công ty. Cuối cùng, những điều này làm giảm năng suất”, ông Wansleben nói.
“Ngoài ra, giá điện cao gần gấp 3 lần so với năm 2020”, ông Wansleben nói thêm, kêu gọi chính phủ cắt giảm các loại thuế và phí đối với điện năng.
Hầu hết các công ty đang phải vật lộn để phục hồi sau đợt suy thoái do năng lượng gây ra vào mùa đông năm ngoái, do chi phí vay cao hơn và nhu cầu xuất khẩu yếu. Công ty hóa chất khổng lồ Lanxess AG tuyên bố sẽ cắt giảm 7% lực lượng lao động trong tháng này, trong khi Volkswagen AG cho biết họ sẽ tăng gấp đôi số tiền tiết kiệm để tăng lợi nhuận.
Minh Đức (Theo Euractiv, Bloomberg)