Đức chỉ mới thoát khỏi suy thoái trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 (quý II) do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không thay đổi so với quý trước (quý I). Nhưng dữ liệu tạm thời mới nhất cho thấy sự cải thiện nhẹ về vận may của nền kinh tế có thể sẽ không kéo dài.
Tin không vui lại vừa ập đến: Sản xuất công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 1,5% trong tháng 6 so với tháng 5, dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố hôm 7/8.
Kết quả sản xuất công nghiệp đáng thất vọng trong tháng 6 chủ yếu do sự sụt giảm của ngành ô tô (giảm 3,5%) và ngành xây dựng (giảm 2,8%).
“Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm sản lượng công nghiệp là một trong những yếu tố gây ra sự sụt giảm mới trong GDP của Đức trong nửa cuối năm nay”, Franziska Palmas, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics (có trụ sở tại London), cho biết trong một ghi chú.
Ông Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank AG (có trụ sở tại Frankfurt), cũng dự đoán GDP sẽ giảm vào cuối năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với thông báo rằng Đức sẽ là quốc gia duy nhất trong số hơn 20 quốc gia được khảo sát có sản lượng kinh tế sẽ giảm trong năm nay.
Mặc dù vậy, Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất EU. Do đó, nếu nước này một lần nữa trở thành “con bệnh của châu Âu” (sick man of Europe), nó chắc chắn sẽ tác động đến các nền kinh tế khác.
Áp lực từ phe đối lập
Giờ đây chính phủ liên minh “đèn giao thông” của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh (Greens) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đang đối mặt với một tầng áp lực mới đến từ phe đối lập.
Đảng đối lập chính, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ trung hữu và đối tác vùng Bavaria của họ là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vừa công bố các đề xuất cho một kế hoạch khẩn cấp (Sofortprogramm).
Chủ tịch Đảng CDU Friedrich Merz cho biết kế hoạch này nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế hiện tại phát triển thành một sự suy yếu kinh tế dài hạn.
Các đề xuất bao gồm ngay lập tức giới hạn giá điện, dừng tất cả các luật và quy định làm tăng bộ máy quan liêu, loại bỏ thuế thu nhập khi làm thêm giờ, giảm thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác.
Cho rằng danh xưng “con bệnh của châu Âu” là hơi quá, ông Reinhard Houben, phát ngôn viên chính sách kinh tế của Đảng FDP trong liên minh cầm quyền, thừa nhận đất nước thực sự đang chứng kiến suy thoái kinh tế, nhưng cho biết các đề xuất của phe đối lập là chưa thấu đáo.
“Tôi không thể coi chúng là một chương trình chính sách”, ông Houben nói với Đài DW, cho biết rằng chính phủ đã có kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm những động thái đã được Bộ Tư pháp Đức (Đảng FDP) thực hiện từ lâu nhằm giảm thiểu quan liêu.
CDU/CSU cũng biết rõ rằng Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner – người đồng thời là lãnh đạo Đảng FDP – đã đề xuất không dưới 50 biện pháp chính sách thuế trong chiến lược cơ hội tăng trưởng của mình, ông Houben cho biết.
Hai đảng khác trong liên minh cầm quyền – Đảng SPD trung tả và Đảng Xanh bảo vệ môi trường – chỉ ra rằng họ đang đi đúng hướng để củng cố nền kinh tế.
Bà Ricarda Lang, đồng chủ tịch của Đảng Xanh, cho biết các đảng cầm quyền đã cùng nhau phát triển một gói các biện pháp để “bảo vệ nền tảng kinh tế của nền kinh tế Đức”.
Phát biểu với tuần báo khổ nhỏ Bild am Sonntag, bà Lang khẳng định Chính phủ Đức đang đi đúng hướng, đồng thời cũng thừa nhận rằng đường sắt, dịch vụ chăm sóc trẻ em và số hóa của Đức vẫn cần được cải thiện khẩn cấp.
Công khai giải quyết vấn đề
Trong khi đó, bà Saskia Esken, đồng lãnh đạo Đảng SPD của Thủ tướng Scholz, từ lâu đã ủng hộ trợ cấp giá điện công nghiệp và đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, còn Bộ trưởng Xây dựng Klara Geywitz (Đảng SPD) muốn trợ cấp cho ngành xây dựng bằng cách đưa ra nhiều lựa chọn hơn để miễn thuế cho những người đầu tư vào các dự án nhà ở.
Nhưng Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW Berlin) đã cảnh báo chính phủ chớ có sử dụng các khoản trợ cấp và cắt giảm thuế.
Chủ tịch DIW Marcel Fratzscher cho rằng điều này giống như câu chuyện “con cá và cần câu”.
“Một chương trình kích thích kinh tế chỉ cung cấp thêm 1 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp khổng lồ sẽ chỉ phản tác dụng”, ông Fratzscher cho biết. “Điều này sẽ chỉ mang lại cho họ thêm thu nhập, nhưng không giải quyết được các vấn đề kinh tế”.
Thủ tướng Scholz, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ do phe bảo thủ CDU/CSU lãnh đạo của bà Angela Merkel, đang trong kỳ nghỉ và chưa đưa ra tuyên bố nào về suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên áp lực buộc ông Scholz phải làm như vậy đang gia tăng, đặc biệt là từ các nhà lãnh đạo phe đối lập. Họ cho rằng ông cần phải làm rõ lập trường của mình.
Ông Houben của Đảng FDP cho biết, các thành viên trong chính phủ liên minh đương nhiệm cũng đang kêu gọi ông Scholz công khai giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck của Đảng Xanh rất muốn đưa ra một thông điệp lạc quan: Đức đã và đang là một địa điểm kinh doanh hấp dẫn. Ông Habeck nói: “Hiện có hơn 20 công ty quốc tế đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào Đức, xấp xỉ 80 tỷ euro (88 tỷ USD)”.
Bên cạnh tin không vui vẫn xuất hiện điều tích cực. Hôm 8/8, nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc) TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ Euro (11 tỷ USD) ở Dresden, bang Freistaates Sachsen.
Đây là nỗ lực hợp tác của TSMC với Bosch – nhà cung cấp công nghệ, thiết bị dùng cho ô tô hàng đầu của Đức, và các hãng chip Infineon của Đức và NXP của Hà Lan.
Theo nhật báo kinh doanh Handelsblatt, Chính phủ Đức được cho là đã dành 5 tỷ Euro cho dự án, và các quan chức chính phủ đã nói về dự án như một tín hiệu “cực kỳ quan trọng” đối với Đức với tư cách một điểm đến đầu tư.
Minh Đức (Theo DW, CNN, ING)