YênBái - Đón xuân mới Ất Tỵ - 2025, nhìn lại năm qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh người dân vùng dâu tằm huyện Trấn Yên đã phải gánh chịu nhiều khó khăn sau cơn bão số 3 (Yagi). Song từ sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân trong áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phục hồi, cây dâu đã hồi sinh mạnh mẽ, để người dân nơi đây đón tết trong niềm vui và hạnh phúc.
Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm ruộng dâu của Hợp tác xã dâu tằm Hạnh Lê xã Thành Thịnh hồi phục sau bão số 3.
|
>> Trấn Yên sắp cán mốc 1.000 ha dâu tằm
>> Trấn Yên phấn đấu cứu khoảng 600 ha dâu tằm sau ngập lũ
Ngày đầu xuân mới đến với vùng dâu xã Thành Thịnh, nơi được coi là vựa dâu của Trấn Yên, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nơi đây đang nô nức ra đồng đốn và trồng nốt diện tích dâu còn lại.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê - Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê phấn khởi cho biết: "Hợp tác xã có 56 hộ liên kết trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích dâu là 30ha. Sau bão số 3, khoảng 2ha mất trắng hoàn toàn, 50% diện tích dâu bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã bắt tay vào thu dọn đồng ruộng ngay sau thiên tai. Cùng đó, tỉnh, huyện và Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái hỗ trợ kỹ thuật như: đào rãnh tuốt lá và cắt tỉa cành. Với diện tích có thể khôi phục chỉ sau 1 tháng cây dâu đã cho lá trở lại, chúng tôi tiếp tục ươm nuôi tằm. Đối với diện tích mất trắng, chúng tôi được hỗ trợ cây giống, kinh phí và hướng dẫn cách làm đất trồng dâu đúng kỹ thuật. Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích dâu của Hợp tác xã đã được khôi phục”.
Thành Thịnh là địa phương có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất toàn huyện với hàng trăm héc ta. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, 100% diện tích dâu của xã bị ngập chìm trong nước, gần 50% diện tích bị ảnh hưởng nặng.
"Ngay sau bão, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với diện tích trên cao, ngập ít, cứu được thì áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để cây dâu phục hồi. Còn những diện tích phải trồng lại, chúng tôi xem xét yếu tố cải tạo đất, phấn đấu khôi phục diện tích dâu nhanh nhất có thể để sớm ổn định cuộc sống cho người dân”. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch UBND xã Thành Thịnh cho biết.
Cũng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, xã Báo Đáp có hơn 200 ha cây trồng nông nghiệp bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là diện tích dâu tằm khu vực ven sông Hồng. Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, xã đã vận động người dân tập trung khắc phục hậu quả, tái thiết sản xuất. Đối với diện tích dâu bị ảnh hưởng nhẹ, tiến hành khơi rãnh, tỉa cành để cây dâu bật mầm mới, bảo đảm nuôi tằm cuối vụ. Diện tích bị ngập sâu, bồi lấp không thể hồi phục đã được Nhà nước hỗ trợ ngô giống và rau giống để trồng vụ đông. Sang vụ xuân xã đã tiến hành trồng đủ diện tích dâu theo kế hoạch.
Trấn Yên là địa phương có diện tích dâu lớn nhất toàn tỉnh với gần 1.000 ha, 1.500 hộ nuôi tằm, giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu đồng/ha. Theo thống kê của huyện, tổng diện tích dâu bị ảnh hưởng và thiệt hại sau bão số 3 là 700 ha, tập trung tại các xã có diện tích lớn nằm ven sông Hồng như: Thành Thịnh, Y Can, Báo Đáp, Minh Quân…
Ngay sau bão, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp huyện và bà con nhân dân để kịp thời khắc phục diện tích dâu, giảm chi phí trồng mới và ổn định năng suất lá, bảo đảm cho chăn nuôi tằm vụ xuân.
Được sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, chỉ 1 tháng sau khi cơn bão đi qua, 600 ha dâu tằm đã hồi sinh xanh tốt, người dân tiếp tục trở lại nuôi tằm.
Nhờ đó, năm 2024, toàn huyện thu được trên 1.200 tấn kén, với giá bán từ 170.000 - 200.000 đồng/kg, qua đó giúp cuộc sống của người trồng dâu nuôi tằm nơi đây nhanh chóng ổn định trở lại.
Với diện tích khoảng 100 ha dâu không thể khôi phục được do vùi lấp, ngành nông nghiệp đã triển khai việc đăng ký đến các hộ gia đình, chuẩn bị phân bón, cây giống, với nguồn cây giống từ Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cũng như hom cây dâu giống ở các xã không bị ngập như: Hồng Ca, Tân Đồng và các vùng lân cận. Tính đến hết tháng 12/2024, toàn bộ diện tích dâu trên địa bàn huyện Trấn Yên đã được khôi phục hoàn toàn.
Một mùa xuân mới lại về, khắp các ruộng dâu trên địa bàn huyện Trấn Yên những trồi non đang vươn mình đón chào hơi ấm của đất trời. Màu xanh đang dần trở lại các cánh đồng Trấn Yên, mang đến niềm tin, hy vọng cho người dân nơi dây vào những vụ tằm tơ bội thu và những cái tết đủ đầy, hạnh phúc.
Minh Huyền
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/345365/Xuan-ve-tren-dat-tam-to.aspx
Kommentar (0)