Sinh năm 1995, thầy Nguyễn Thanh Tùng là một trong những giáo viên trẻ nhất được vinh danh Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024. Mặc dù mới công tác 6 năm, thầy Tùng đã được tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đội tuyển học sinh giỏi môn khoa học tự nhiên - hóa học của quận Bắc Từ Liêm.
Song thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi không phải lý do chính để thầy trở nên đặc biệt. Tâm huyết và sáng tạo nhiều nhất của thầy giáo 9X dồn cho các học sinh bình thường, để các em từ thờ ơ, e ngại với môn hóa học trở nên yêu thích, say sưa và xem việc học hóa như một trò vui.
Học hóa bằng cách chơi game: Tại sao không?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa hóa học, vật lý, sinh học vào một môn chung là khoa học tự nhiên. Nhiều kiến thức khoa học tự nhiên nói chung và hóa học nói riêng tương đối trừu tượng, khó hiểu, khó ghi nhớ.
Khi bắt đầu công việc giảng dạy tại Trường THCS Phú Diễn, thầy giáo trẻ mới ra trường Nguyễn Thanh Tùng đã nhận ra những trở ngại tâm lý ở các học trò nhỏ của mình trong giờ học khoa học tự nhiên.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng (đứng giữa, áo nâu) bên các học trò (Ảnh: NVCC).
"Con trẻ chỉ học được khi chúng hứng thú. Thứ mà trẻ hứng thú nhất là chơi. Nhưng chúng thích chơi gì, tôi phải đi tìm câu trả lời", thầy Tùng kể về chặng đường tìm ra phương pháp dạy học giúp học trò được chơi mà vẫn học tốt.
Bước một, thầy Tùng lân la làm quen với học trò. Khi thấy khoảng cách thầy trò đã đủ gần, thầy hỏi trò xem làm thế nào để các con hứng thú với giờ học. Trò trả lời thành thật rằng: "Việc học thì cũng rất hay nhưng mà đôi lúc chúng con rất muốn được chơi game".
Thầy lại hỏi trò thích chơi game gì, trò trả lời là ma sói, uno, mèo nổ... Thế là thầy bảo cho thầy chơi thử cùng để tìm hiểu về các trò chơi.
Được chơi board game (trò chơi bàn cờ) cùng học trò, thầy Tùng nhanh chóng nắm được luật chơi và những điểm "chạm" của mỗi trò chơi. Ý nghĩ làm một bộ bài có luật chơi tương tự nhưng lồng ghép vào kiến thức khoa học tự nhiên môn hóa học để cho lũ trẻ học thông qua chơi nảy ra trong tâm trí thầy giáo trẻ.
Những bộ board game "made by thầy Tùng" ra đời như thế. Thầy tự mày mò các phần mềm đồ họa để biến tấu các bộ bài, thiết kế các thẻ bài theo phong cách "teen", hài hước và "vô tri" nhưng thực chất là rất nhiều tri thức.
Trò ma sói biến thành trò chơi về tế bào. Trò uno biến thành trò chơi về các nguyên tố hóa học. Trò mèo nổ biến thành trò chơi về hợp chất hóa học. Những KNO3, CaC03, NaCl khô khan và khó hiểu nay bỗng trở nên đơn giản và thú vị khi trở thành tên của thẻ bài kèm theo định nghĩa dí dỏm.
Kiểu như "Thuốc nổ đây, thuốc nổ đây! Hỗn hợp của ta với C và S sẽ phát nổ ngay lập tức" (KNO3), "Cục đá vôi vô tri hay gặp ngoài đường. Trong vỏ trứng gà cũng có ta nhé." (CaC03), "Biển cả là của ta. Ta là bá chủ rộng lớn. Đi đâu mọi người cũng khen ta là: Mặn" (NaCl).
Mỗi khi đến giờ học có kiến thức tương ứng là thầy Tùng tung board game ra cho học trò chơi. Board game của thầy nhìn bắt mắt, mới lạ, lại không mất tiền mua nên học trò nào cũng hưởng ứng.
"Các con lấy bài về chơi một cách thích thú và rất chủ động. Các con không chỉ chơi trong giờ học, chơi trong giờ ra chơi mà còn mang cả về nhà chơi nữa.
Vừa học vừa chơi, chơi mà lại là học nên các con cảm thấy môn học gần gũi, thú vị. Ví dụ, thay vì gọi tên quân bài bằng tên gốc, các con gọi bằng tên hóa học của hợp chất vô cơ trên thẻ bài. Cả cuộc chơi chỉ nghe thấy những âm thanh xôn xao, náo nức rằng tớ đánh quân base, cậu đánh quân acid.
Những kiến thức khoa học tự nhiên môn hóa học cứ thế tự động vào đầu của các con mà không cần phải bắt ép các con học thuộc", thầy Tùng chia sẻ.
Thành công với việc dùng board game vào dạy học, thầy Tùng tiếp tục nghiên cứu, mày mò chuyển hóa những nội dung kiến thức khó thành game. Đến nay, thầy đã thiết kế 5 board game có tính ứng dụng cao. Trong đó có 1 trò chơi dành cho học sinh lớp 6, 2 trò chơi dành cho học sinh lớp 7 và 2 trò chơi dành cho học sinh lớp 8.
Riêng lớp 9, vì đặc thù thi chuyển cấp, thầy Tùng đang nghiên cứu phương pháp phù hợp.
Tâm huyết là quan tâm tới mọi đối tượng học sinh, giúp học sinh yếu cũng học được
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham dự giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo, thầy Nguyễn Thanh Tùng định nghĩa về hai từ tâm huyết và sáng tạo như thế này:
"Tâm huyết là quan tâm đến mọi đối tượng học sinh".
"Sáng tạo phải bắt nguồn từ việc quan sát nhu cầu của học sinh".
Thầy Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1995, tốt nghiệp sư phạm hóa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Mặc dù là giáo viên lãnh đội tuyển học sinh giỏi, thầy Tùng vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho học sinh đại trà. Đối với học sinh yếu, thầy sử dụng nhiều và linh hoạt các phương pháp dạy học dự án, tăng cường thực hành tìm hiểu tự nhiên. Mục tiêu của thầy là học sinh nào cũng phải học được và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Những trò board game mà thầy thiết kế hướng nhiều đến nhóm học sinh này. Thầy cũng thiết kế 15 mô phỏng thí nghiệm trong 15 chủ đề của chương trình khoa học tự nhiên từ lớp 6 đến lớp 8 bằng công cụ powerpoint. Mục đích là để học sinh có thể dùng máy tính trải nghiệm các thí nghiệm giống như quan sát trên thực tế trong bối cảnh phòng thí nghiệm nhà trường chưa được đầu tư, trang bị hiện đại.
Bên cạnh đó, thầy Tùng dùng 5 phần mềm thực tế ảo áp dụng cho hơn 100 tiết học để học sinh học các nội dung sinh học, vật lý, hóa học một cách nhẹ nhàng.
Ví như các em được tận mắt chứng kiến thế giới động vật sống động kỳ ảo hay vũ trụ rộng lớn với những hành tinh xoay chuyển theo quỹ đạo hiện ra ngay trong không gian lớp học. Lòng ham thích khám phá khoa học của học trò được khơi gợi và bồi đắp qua mỗi tiết học thực tế ảo như thế.
Thầy Tùng quan niệm: "Tâm huyết là quan tâm đến mọi đối tượng học sinh" (Ảnh: NVCC).
Với riêng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Tùng chú trọng việc hiểu năng lực, thế mạnh của mỗi học sinh. Song song với đó, thầy xây dựng kho đề thi, nắm xu hướng ra đề và dự đoán đề thi để có chiến lược ôn tập phù hợp.
Là thầy giáo trẻ, lại từng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, thầy Tùng hiểu những áp lực học tập của học sinh ngày nay. Càng hiểu những trở ngại của trò, thầy càng nỗ lực học hỏi các phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhà trường để giúp học trò chinh phục mục tiêu. Các phương pháp giảng dạy mới cũng được thầy chia sẻ, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp.
Kommentar (0)