Impulsgeber für nachhaltige Entwicklung

Việt NamViệt Nam05/02/2025


YênBái - Bước qua một năm nhiều khó khăn, thách thức và cả những hậu quả nặng nề của thiên tai, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái vẫn đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng và 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 7,54%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX đề ra; 31/32 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.

Công nhân Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia tại Khu công nghiệp phía Nam trong dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia tại Khu công nghiệp phía Nam trong dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu.

>> Doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái đồng hành cùng sự phát triển
>> Doanh nghiệp thành phố Yên Bái nỗ lực bứt phá
>> Doanh nghiệp Yên Bái khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất sau bão lũ
>> Trợ lực giúp doanh nghiệp Yên Bái vượt khó sau bão

Những kết quả này không chỉ khẳng định sự đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị mà còn cho thấy sự chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh trên tinh thần "quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với tầm nhìn chiến lược trong thực hiện 3 khâu đột phá quan trọng, từng bước tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2024 - năm có ý nghĩa quyết định trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã bám sát thực tiễn, chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao năng lực của cấp ủy, chính quyền với việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01 ngày 5/1/2024 của Chính phủ; Chương trình hành động số 188 ngày 25/11/2023 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 01 ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh, tạo động lực, quyết tâm đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khích lệ khí thế hăng hái thi đua của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. 

Tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị chú trọng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, huy động nguồn lực cho công tác chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của tỉnh và thực hiện chiến lược về chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành các hệ thống quản lý điện tử và các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ hành chính. 

Sự đổi mới này đã từng bước thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành dựa trên nền tảng số, giúp cải thiện rõ rệt chất lượng công tác phục vụ, tiết kiệm thời gian và ngân sách Nhà nước; đồng thời, khơi dậy niềm tin của người dân vào chính quyền với tỷ lệ 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền. 

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án lớn trong năm qua là yếu tố quan trọng đóng góp vào chỉ tiêu tổng vốn đầu tư, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, hệ thống hành chính minh bạch và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư, tạo ra môi trường kinh doanh năng động. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề ở Yên Bái, từ nông nghiệp đến công nghiệp chế biến và du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Huyện Yên Bình được biết đến là địa phương đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương tỉnh Yên Bái năm 2023. Những năm gần đây, huyện rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hiện đại hóa nền hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 


Học viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành bộ môn điện công nghiệp. 

Bí thư Huyện ủy Yên Bình Đỗ Văn Nghị cho biết: Năm 2024, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành thủ tục, khởi công các dự án trên địa bàn. Theo đó, đã thu hút một số nhà đầu tư vào tìm hiểu và khảo sát tìm cơ hội đầu tư vào địa bàn huyện như: Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến mỏ đá hoa tại khu vực Mông Sơn V, xã Mông Sơn của Công ty cổ phần Quốc tế khoáng chất công nghiệp Việt Nam; Dự án đầu tư xây đựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phú Thịnh 3 của Công ty cổ phần Công nghiệp EUP; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1 của Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đông Đô - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 Bắc Giang; Dự án đầu tư bến thủy nội Hải Nga của Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Hải Nga; Dự án nhà máy Ecolors sản xuất hạt nhựa và phụ gia cho ngành nhựa của Công ty cổ phần Ecolors…

Thực hiện khâu đột phá chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, tỉnh đẩy mạnh phân cấp theo thẩm quyền và khả năng của địa phương, cơ sở gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn năm 2024 tăng 5% so với năm 2023, đạt trên 21.000 tỷ đồng. 

Hình thành thêm một số khu chức năng và khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu ở mới cho dân cư, người lao động và thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn về dịch vụ, thương mại, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 88%. 

Đặc biệt, từ công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn; vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông, công trình công cộng, năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa trên 437 km đường giao thông nông thôn, vượt 9,3% kế hoạch, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa toàn tỉnh lên 6.289/8.136 km, đạt 77,3% nhu cầu toàn tỉnh. 

Song hành với đó, nguồn nhân lực được quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Nổi bật là tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài và học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài giai đoạn 2024 - 2026; tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động, vượt 11,3% kế hoạch; giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động, vượt 14,5% kế hoạch; chuyển dịch gần 8.200 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, vượt 11,6% kế hoạch… 

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tỉnh đề ra 32 chỉ tiêu cụ thể và 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. 

Trong đó, tập trung tăng tốc, bứt phá thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trên quan điểm là chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương theo đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, "quản lý theo kết quả”, chuyển từ "tiền kiểm” sang "hậu kiểm”, bảo đảm thông suốt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần "năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước”, phấn đấu duy trì Chỉ số chuyển đổi số (DTI) nằm trong top 15 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong top 30 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục nằm trong top 10 cả nước; hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ và giữ vững mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 

Minh chứng rõ nhất trong công tác cải cách TTHC năm 2024 đó là Chỉ số thực hiện TTHC, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp của Yên Bái đã tăng 3 bậc so với năm 2023, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Đã có 39 dự án được tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 11.207 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 63 dự án; cấp chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 333 doanh nghiệp, 113 hợp tác xã và 630 tổ hợp tác, đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra...

Minh Thúy



Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/345507/Dong-luc-thuc-day-phat-trien-ben-vung.aspx

Kommentar (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available