Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư; tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, Vĩnh Phúc ngày càng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Ngay từ tháng đầu năm, tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án trong nước (DDI). Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/1, toàn tỉnh thu hút được 3 dự án DDI gồm 1 dự án cấp mới, 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký 160,22 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2024. Khu vực FDI có 7 dự án được cấp phép, gồm 1 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 25,52 triệu USD, bằng 36,74% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhận định những lợi thế, thách thức trong thu hút đầu tư, những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Trong đó tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tập trung thu hút FDI từ các nhà đầu tư chiến lược, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh và Hoa Kỳ...; ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể hóa tổ chức hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2022-2026 và các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030.
Cùng với đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các FTA đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc được đầu tư hạ tầng và cảnh quan đồng bộ, hiện đại, tạo sức hút với các nhà đầu tư. Ảnh: Thế Hùng
Chủ động tham gia các chương trình quảng bá địa phương tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức; đa dạng hóa các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua tổ chức các sự kiện ngoại giao; lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng các công trình, dự án trọng điểm như các nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh; đường trục Bắc - Nam kết nối với cầu Vân Phúc; Cảng cạn ICD; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc (đoạn Tân Phong - Trung Nguyên); các tuyến đường song song đường sắt Vĩnh Yên - Bình Xuyên; tuyến đường vành đai 5 - Thủ đô...
Tỉnh phát triển thêm một số khu công nghiệp (KCN) theo lộ trình cụ thể, tại vị trí có lợi thế, có tính khả thi theo danh mục các KCN tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4 - 8 KCN mới như KCN Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II - Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II và một số KCN có tiềm năng khác.
Một niềm vui của tỉnh là năm 2025 có 32 dự án đã đăng ký đầu tư từ những năm trước sẽ hoàn thành các thủ tục về đầu tư nhà xưởng, lắp đặt máy móc, tuyển dụng nhân lực, tìm kiếm thị trường và đi vào hoạt động sản xuất.
Điển hình như dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft; dự án sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ của Công ty công nghiệp cơ khí LIOHO Machine Work Việt Nam; dự án sản xuất máy bơm, máy nén, vòi và van khác của Công ty TNHH Kitz Coproation Việt Nam; dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng, bình chứa từ nhựa cho ô tô, xe máy của Công ty TNHH Crest Top Việt Nam; sản xuất, gia công, lắp ráp các linh kiện, sản phẩm, thiết bị quang học của Công ty TNHH Tamron Optical (Việt Nam)… sẽ đem lại sản phẩm mới làm tăng giá trị sản xuất và gia tăng cho ngành công nghiệp.
Mai Liên
https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123352/Tao-dot-pha-thu-hut-dau-tu
Kommentar (0)