Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Sáng 22-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Đề xuất túi nilông, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao với đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi việc đốt vàng mã của người dân ngày càng trở nên phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn.
Hiện nay chỉ số bụi mịn tại các đô thị lớn trong đó có Hà Nội đang lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
Do đó ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này mục đích là để dần thay đổi hành vi đốt vàng mã của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự như vậy, bà đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung mặt hàng như túi nilông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Có nên giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia?
Đối với mặt hàng rượu, bia, đại biểu Dương Minh Ánh nhất trí về việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội.
Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, theo bà Minh Ánh, khi tăng thuế suất đối với mặt hàng nào đó cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.
Bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giãn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu quan điểm đồng ý tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, ông cho rằng cần cân nhắc lộ trình.
Theo ông Hạ, việc đánh thuế là đánh vào hành vi, đánh thuế cao sẽ giảm hành vi hút thuốc và uống rượu bia.
Ông cho hay, tại tờ trình của Chính phủ có 2 phương án nên chọn phương án giãn việc tăng thuế.
Ông dẫn thực tế sau COVID-19, một nhà máy ở Quảng Nam phải đóng cửa gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, người lao động và địa phương. Mỗi năm nhà máy này nộp ngân sách cho tỉnh Quảng Nam 1.500 tỉ đồng.
Cần đối xử một cách công bằng với doanh nghiệp, cần có lộ trình cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa “Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết ông ủng hộ tăng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, rượu, nhưng riêng với mặt hàng bia ông đề nghị cân nhắc.
Ông Ngân phân tích thời gian vừa qua những ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống chịu áp lực rất lớn, đặc biệt những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19.
Lượng khách quốc tế và trong nước sau dịch sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực thương mại dịch vụ ăn uống, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn.
“Đặc biệt từ khi có các nghị định xử lý hành chính nghiêm khắc người uống rượu, bia khi lái xe có ích lợi lớn đến bảo vệ sức khỏe người dân nhưng góc độ khác cũng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, kinh tế đêm… ở một số khu vực kinh doanh dịch vụ”, ông Ngân nói.
Đại biểu đoàn TP.HCM nhận định ngành bia đóng góp ngân sách khá lớn, bình quân mỗi năm 56.000 tỉ đồng. Người lao động trực tiếp trong ngành này cũng hơn 50.000 người. Tuy nhiên thời gian qua có xu hướng sụt giảm cả nguồn thu và số lượng lao động trong ngành này.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng phải đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế nói chung để đánh giá tác động một cách toàn diện.
Thực tế ngành rượu, bia liên quan trực tiếp đến các ngành nghề phụ trợ như sản xuất bao bì, đóng gói, vận chuyển, và liên quan gián tiếp đến các lĩnh vực du lịch và ẩm thực.
Cần ước lượng được với mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế đề xuất, các ngành nghề khác sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào. Liệu mức ảnh hưởng này có thể được bù trừ bởi nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc giảm áp lực xã hội, gánh nặng y tế hay không?
Bà nói mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này thông qua chính sách thuế thì cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá sâu rộng, không chỉ thuần túy dựa vào khuyến nghị của tổ chức quốc tế để xây dựng luật.
“Do đó đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính có đánh giá tác động cụ thể hơn trước khi đề xuất bất kỳ mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế nào”, bà Hiền đề nghị.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-vang-ma-tui-nilon-thuoc-diet-co-vao-dien-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-20241122103956709.htm