Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, khi Nhà nước thu hồi đất, cần đền bù tinh thần cho người dân bởi họ phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, dòng tộc.
Thảo luận tổ ở Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn luật sư TP HCM) nhận xét giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất đã bắt đầu tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, mức giá đền bù dù là bao nhiêu, cũng “có thể chưa giải quyết được vấn đề”.
“Nhiều khi Nhà nước tính toán, định giá mảnh đất đó 500 triệu đồng và đền bù 700 triệu đồng, cho rằng như vậy là quá tốt rồi, nhưng ngoài giá đền bù, còn những yếu tố khác về dòng tộc, tâm linh, môi trường sống quen thuộc của người dân”, ông Nghĩa phân tích.
Dự thảo nêu khi người dân bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Điều này theo ông Nghĩa khó đo đếm được bằng tiền mà phải tính đến nhiều yếu tố khác. Bộ Luật Dân sự cho phép đền bù, bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, nên ông đề nghị dự thảo Luật Đất đai cũng cần tính đến đền bù tinh thần cho người có đất bị thu hồi.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị ban soạn thảo thể chế hóa đề xuất của ông Nghĩa – bồi thường về tinh thần cho người có đất bị thu hồi. “Phải đền bù, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng để người dân cũng được hưởng lợi từ dự án tương lai trên mảnh đất của họ trước đây”, ông Mãi nói.
Nhiều khu tái định cư không người ở vì khác văn hóa
Tại tổ Hà Giang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng chính sách bồi thường phải hướng đến cuộc sống của người dân sau tái định cư, có hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đảm bảo sản xuất, sinh kế. Tái định cư cần gắn với văn hóa cộng đồng. “Thực tế, nhiều khu tái định cư người dân không về ở do không phù hợp với bản sắc văn hóa”, ông Khánh nói.
Vì vậy, ông đề nghị dự luật quy định về nguyên tắc và phân cấp cho địa phương vì thực tế nhu cầu của từng hộ dân rất đa dạng. Có người muốn đền bù bằng đất, nhưng có người ở với con nên chỉ lấy tiền. Chính sách trong luật “không nhất thiết cứ phải tái định cư”, quan trọng là sau khi thu hồi, họ duy trì được sinh kế và có cuộc sống ổn định.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang góp ý, cơ quan soạn thảo nên chú trọng định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người bị thu hồi đất. Dự thảo cũng cần chú ý đảm bảo cuộc sống cho người già, trẻ em, người yếu thế. “Luật đưa ra khung yêu cầu, mục tiêu, mục đích, nhưng chính quyền địa phương phải tham gia thực hiện”, ông Khánh nêu quan điểm.
Đề xuất Quốc hội biểu quyết về điều khoản Nhà nước thu hồi đất
Đánh giá ban soạn thảo đã tiếp thu, sửa đổi các quy định về thu hồi đất, tuy nhiên, PGS Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM) vẫn băn khoăn “các quy định này chưa triệt để và khó giải quyết được vấn đề khiếu kiện của người dân”, bà nói.
Theo nữ đại biểu TP HCM, khi đất nước hòa bình, cơ hội kinh tế mở ra thì đất sẽ tăng giá. Một bộ phận ở khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực đất đai sẽ tìm kẽ hở làm tha hóa cán bộ – tư lợi, không vì lợi ích chung. “Nhà nước có cần đứng ra thu hồi đất nữa hay không? Việc chính quyền các cấp phải ra quân thu hồi, cưỡng chế đất đai là lợi bất cập hại, còn nhiều con đường khác để phát triển kinh tế mà không cần đau khổ như vậy”, bà Phong Lan băn khoăn.
Bà đánh giá, việc liệt kê các trường hợp được thu hồi đất như dự thảo sẽ dễ bị lạm dụng, bởi “sẽ có thừa, có thiếu, có thắc mắc sao dự án này được thu hồi, dự án kia không thu hồi đất”.
Từ lập luận trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Quốc hội tách riêng điều khoản Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng để Quốc hội biểu quyết và chấp nhận theo số đông. “Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về quyết định này”, bà nhấn mạnh.
Chung quan điểm với bà Lan, ông Trương Trọng Nghĩa nói thực tế có nhiều dự án không trực tiếp vì lợi ích quốc gia, công cộng mà vì mục đích thương mại. Hàng chục năm qua, việc khiếu nại, bức xúc đều liên quan đến việc thu hồi đất. Trong khi đó, Nghị quyết 18 Trung ương về chính sách đất đai nêu “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Theo tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất; thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, tái định cư; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Viết Tuân – Sơn Hà