Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét cho thành lập các văn phòng công chứng tư nhân có một công chứng viên, thay vì chỉ cho phép mô hình văn phòng công chứng hợp danh với 2 công chứng viên.
Sáng 25.6, góp ý luật Công chứng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị bổ sung thêm loại hình văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên (loại hình doanh nghiệp tư nhân) ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Đại biểu Thông cho rằng, ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao. Do đó, nên cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ.
Điều này vừa góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo sớm được tiếp cận dịch vụ công chứng mà không cần đi xa như hiện nay.
Vẫn theo ông Thông, đối với những nơi này, việc thành lập và duy trì mô hình văn phòng công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực. Nguồn thu để đảm bảo duy trì hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng với 2 công chứng viên là rất khó.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Việc này có thể khắc phục được bất cập ở những địa phương khó khăn. Ông Hòa cho hay, thực tế nhiều huyện chưa có văn phòng công chứng do qui định văn phòng công chứng thành lập phải có 2 công chứng viên trở lên.
“Một công chứng viên đã khó rồi, mà hai lại càng khó hơn. Do thu nhập không cao, lại phải trả lương cho công chứng viên hợp danh là điều không thể, nên không công chứng viên nào dám thành lập văn phòng ở những nơi đây”, ông Hòa nêu.
Theo đại biểu Hòa, thực tiễn khảo sát một số nơi công chứng hợp doanh chỉ hình thức, cho thuê bằng chứng nhận công chứng viên. Mỗi tháng công chứng viên này đến văn phòng chỉ vài lần. Do đó, ông Hòa cho rằng, nên tùy điều kiện thực tế mà có cho phép thành lập văn phòng công chứng một thành viên. Đối với khu vực đô thị thì quy định như dự thảo, là phải có hai công chứng viên trở lên mới được thành lập văn phòng công chứng.
Cần cân nhắc
Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh lại cho rằng cần cân nhắc việc cho phép lập lại mô hình văn phòng công chứng tư nhân do 1 công chứng viên thành lập, dù chỉ là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, từ năm 2014, do vướng mắc của mô hình văn phòng công chứng tư nhân nên luật Công chứng năm 2014 chỉ quy 1 loại hình văn phòng công chứng hợp danh, tức có 2 công chứng viên.
Theo bà Hạnh, các văn phòng công chứng tư nhân do 1 công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng công chứng viên hợp đồng không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động của văn phòng công chứng. Họ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi những hồ sơ công chứng do họ ký.
Họ cũng không có các quyền liên quan đến quản lý điều hành văn phòng công chứng, nên khi công chứng viên là trưởng văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề, bị khởi tố hình sự, qua đời… vẫn sẽ phát sinh những bất cập, như đã từng xảy ra khi thực hiện luật Công chứng năm 2006.
Bà Hạnh cũng dẫn chứng, trước đây TP.HCM từng có văn phòng công chứng do 1 công chứng viên thành lập ở một huyện xa, song thường xuyên đóng cửa vì những lý do cá nhân, gây ách tắc trong công chứng hợp đồng, giao dịch, người dân thường xuyên phản ánh về Sở Tư pháp TP.HCM.
Cũng theo bà Hạnh, dự thảo luật hiện cho phép các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nên các địa phương hoàn toàn chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng hay cơ quan hành chính chứng thực các hợp đồng, giao dịch.
Đây cũng là quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo. Trong báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ Tư pháp cho hay, quy định văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh (2 công chứng viên) hoặc doanh nghiệp tư nhân (một công chứng viên) đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc chọn loại hình tổ chức nào cho VPCC cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn.
Quá trình thực hiện luật Công chứng năm 2006 cho thấy mô hình văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, bền vững.
Vì vậy, khi ban hành luật Công chứng năm 2014, Quốc hội chỉ quy định 1 loại hình văn phòng công chứng theo mô hình công ty hợp danh. Quá trình thực hiện cho thấy mô hình công ty hợp danh cơ bản phù hợp với tính chất công chứng là dịch vụ công cơ bản, bảo đảm cho các văn phòng công chứng hoạt động ổn định, bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Do đó, nếu cho phép thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì những điểm bất cập của mô hình này sẽ lặp lại như giai đoạn thực hiện luật Công chứng năm 2006.
Mặt khác, hàng loạt văn phòng công chứng hiện có sẽ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến số lượng văn phòng công chứng có thể tăng lên gấp hai lần so với hiện nay. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng.
Từ đó, Bộ Tư pháp cho rằng, việc tiếp tục quy định văn phòng công chứng được thành lập theo mô hình công ty hợp danh là phù hợp.
Đối với ý kiến đề nghị cho phép văn phòng công chứng được lựa chọn tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/de-xuat-cho-lap-van-phong-cong-chung-tu-nhan-1-cong-chung-vien-1852406251335489.htm