Hà NộiBãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng được đề xuất thành công viên văn hóa, sinh thái đa năng nhưng việc triển khai đang vướng quy hoạch đê điều, phòng chống lũ.
Tại hội thảo đề án xây dựng Công viên văn hóa Bãi Giữa ngày 24/11, KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông được định hướng xây dựng công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, quảng trường đô thị và các công trình mang biểu tượng của Thủ đô.
Bãi nổi sông Hồng (tức bãi giữa) và ven sông được phù sa bồi đắp nhiều năm, là không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô có diện tích khoảng 300 ha. Những năm gần đây, diện tích bãi giữa ít thay đổi theo sự lên, xuống của nước lũ do mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao. Khu vực này thuộc địa giới quản lý của bốn quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình.
Hà Nội cần được trao chính sách đặc thù
Theo ông Nguyên, trước hết thành phố sẽ nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và thành phố phía Bắc trong tương lai (theo quy hoạch chung Thủ đô đang xây dựng) và các công trình dịch vụ tiện ích, phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn.
Tuy nhiên, theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, đây là khu vực “được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được xây dựng công trình, nhà ở”.
Do đó, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, Hà Nội cần được trao chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên bãi giữa sông Hồng.
Lãnh đạo các quận cũng nêu nhiều bất cập trong quản lý dân cư, đất đai khu vực bãi giữa. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho hay nhiều người dân di cư ở các tỉnh khác đến, đang sống trong các nhà bè, ảnh hưởng vệ sinh môi trường cảnh quan sông Hồng. Tình trạng vi phạm đất đai gia tăng, nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm, nhà khung cột tre, mái lá, hoặc xây dựng kiên cố nhà cấp 4.
Trong khi đó, dân cư Hoàn Kiếm sống bên sông Hồng với mật độ cao, thiếu không gian công cộng. Theo ông Long, dù có nhiều tồn tại song bãi giữa là “cơ hội để phát huy lợi thế không gian xanh, cảnh quan mặt nước, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân”.
“Chúng tôi thống nhất không phát triển đô thị khu vực này, xác định khu vực bãi giữa phục vụ hoạt động cộng đồng, khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, di sản dọc sông gắn với vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch quận Long Biên cũng cho biết trên địa bàn quận Long Biên hiện có 180 ha đất bãi giữa, phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau. Bất cập trong công tác quản lý đất đai là nhiều diện tích UBND phường không ký được hợp đồng, phát sinh vi phạm về đê điều và sử dụng đất sai mục đích, đổ trộm phế thải…
“Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ đầu tiên là giao chính quyền Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất. Cụ thể, Luật Thủ đô và Luật Đất đai sửa đổi giao thành phố quyết định khai thác quỹ đất nông nghiệp bãi sông”, Chủ tịch quận Long Biên nói.
Mô hình nhiều công viên
Bàn về quy hoạch chi tiết khu vực bãi giữa sông Hồng, TS. KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch quận Ba Đình, đề xuất quy hoạch công viên sông Hồng bao gồm khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Đồng thời, thành phố tạo dựng các quảng trường tại khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn không gian và các giá trị cảnh quan cần kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu…
TS. KTS Nguyễn Văn Tuyên, Trường ĐH Xây dựng, đánh giá bãi giữa sông Hồng là “viên ngọc sinh thái trong lòng Hà Nội, lâu nay đã trở thành vườn chim lớn và độc đáo nhất Thủ đô”. Nơi đây còn có sự chồng lớp di sản đô thị cầu Long Biên và hệ thống di sản hai bên sông. Do vậy, ông Tuyên đề xuất bãi giữa sông Hồng theo nhiều mô hình công viên chuyên đề.
Cụ thể, mô hình công viên du lịch sinh thái tập trung phát huy cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu, phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, vườn nghiên cứu, bãi cát, mặt nước và phục hồi hệ thống động thực vật bản địa.
Mô hình công viên lịch sử văn hóa, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng.
Mô hình công viên khoa học với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và sáng tạo. Các chức năng dự kiến như Trung tâm khoa học công nghệ, vườn ươm khoa học, vườn sáng tạo.
Trong khi đó, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam gợi ý, bãi giữa trở thành công viên sinh thái nông nghiệp truyền thống, kết hợp công nghệ cao, tức là dạng vườn nông nghiệp đại diện các vùng miền Việt Nam, với đa dạng sinh học về cây lương thực và ăn quả. Ở đây tổ chức các hoạt động cắm trại, trải nghiệm, ăn uống, dã ngoại.
Bãi bồi hai bên sông có thể tổ chức khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày, hoa cảnh, kết hợp tạo dựng không gian linh hoạt cho tương tác nghệ thuật thường xuyên, tổ chức hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng.
Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, dân số hơn 181.000, tổng diện tích khoảng 686 ha. Nơi đây được định hướng khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây – Cổ Loa.
Để triển khai quy hoạch, UBND TP đã giao bốn quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ nghiên cứu đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”, kinh phí từ ngân sách các quận.