Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ nguyên tiến biển

Lần đầu tiên, hoạt động lấn biển được quy định tại luật Đất đai 2024, đánh dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên phát triển xứng tầm cho VN - đất nước có tới hơn 3.000 km đường bờ biển. Công cuộc tiến ra đại dương, hội nhập xu hướng thế giới cũng chính là một trong những động lực phát triển cho kinh tế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên14/04/2025

Từ thành phố bên sông tới đô thị tiến ra biển lớn

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, người dân huyện đảo Cần Giờ sẽ được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: động thổ, khởi công Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870 ha với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ USD, được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới ở Singapore, Miami (Mỹ), Úc... Cùng với đó, TP.HCM đang đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỉ đồng và siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 5 tỉ USD. Ban đầu, cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công đúng dịp lễ 30.4, song do quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt nên dự án chưa đủ cơ sở để trình HĐND TP xem xét chủ trương đầu tư. Sau khi quy hoạch chung của TP được thông qua, Sở GTCC cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khởi công dự án ngay trong năm nay, hoàn thành vào năm 2028.

Một khu đô thị lấn biển sẽ đưa Cần Giờ thành nơi nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực; một siêu cảng trung chuyển container biến Cần Giờ thành trung tâm logistics quốc tế; kết nối trực tiếp với trung tâm TP.HCM bằng cả đường bộ và đường sắt tốc độ cao… Tất cả những công trình này đang mở ra cơ hội vàng cho Cần Giờ phục dựng vị thế cảng viễn dương nổi tiếng một thời trên đường hàng hải Á - Âu, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành đô thị toàn cầu, bám sông, hướng biển theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị khi cho ý kiến về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kỷ nguyên tiến biển- Ảnh 1.

Phối cảnh Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

ẢNH: V.G

Nhìn lại lịch sử, TP.HCM chỉ nối ra Biển Đông từ khi H.Duyên Hải (nay là H.Cần Giờ) được sáp nhập năm 1978. Nằm cách khu vực trung tâm khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, và các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Từ những năm 1990, chính quyền TP.HCM đã có chủ trương phát triển TP về phía nam - tiến ra Biển Đông. Sự hợp tác của Tập đoàn CT&D (Đài Loan) đã biến khu vực rộng lớn hàng ngàn héc ta đất bỏ hoang (vì nhiễm phèn) ở khu Nam trở thành khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng... là những bước đi đầu tiên. Từ đó đến nay, phát triển về hướng biển là mong muốn và ý chí của nhiều thế hệ lãnh đạo cùng người dân TP.HCM. TP đã xác định tầm nhìn dài hạn phát triển cần dựa trên nền tảng kinh tế biển, đô thị biển, kết nối quốc tế. Thế nhưng giữa khát vọng và thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa. Chỉ đến thời điểm hiện tại, với hàng loạt siêu dự án như vừa nói trên, công cuộc tiến ra biển lớn của thành phố bên sông - TP.HCM mới thực sự tăng tốc.

Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: "Trong nhiều năm qua, tiềm năng và lợi thế kinh tế biển của TP.HCM chưa được khơi dậy cho chiến lược phát triển toàn diện của TP. Đây là một trong những điều đáng tiếc góp phần dẫn tới thực tế "không mấy dễ chịu" đối với TP.HCM, đó là vị thế dẫn dắt và đầu tàu đang đối mặt với nhiều thách thức".

"Nếu như vào năm 1995, nền kinh tế TP.HCM có quy mô gấp gần 2 lần so với Hà Nội thì đến nay, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn chưa tới 1,7 lần. Nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… hiện tại và trong thập niên tới vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh ngang tầm với TP.HCM, nhưng trong một số lĩnh vực đã có thể cạnh tranh trực tiếp. Xét ở một phương diện nào đó, các địa phương này, chứ không phải TP.HCM, là tác nhân chủ yếu tạo cảm hứng và sự ganh đua giữa các địa phương trong giai đoạn vừa qua", PGS-TS Nguyễn Hồng Thục dẫn chứng.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, những phát triển hiện nay của TP mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa chạm tới thời kỳ trưởng thành của một vùng đô thị có tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, TP.HCM nằm ở vị trí có nhiều lợi thế địa kinh tế của khu vực Đông Nam Á, hội tụ đủ điều kiện và tiềm năng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong vòng 1 - 2 thập niên tới. Cùng với sự ủng hộ của Chính phủ và những chuyển biến mạnh mẽ từ chủ trương đến hành động của các cấp lãnh đạo, đây là thời cơ vàng để TP.HCM giành lại cơ hội đã bỏ lỡ trong gần 20 năm qua và khẳng định lại vị thế đầu tàu kinh tế.

"TP.HCM có 3 động lực chính đều bắt nguồn từ kinh tế sông biển và 300 năm qua, TP luôn luôn sống với huyết mạch kinh tế này. Do vậy, chúng ta bắt buộc phải kết nối kinh tế sông biển và những thành phố nước để trở thành động lực phát triển. Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công sẽ trở thành cực kinh tế biển "mặt tiền" để TP.HCM chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển có giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế. Hành lang đô thị biển này cũng sẽ là bàn đạp để TP.HCM trở thành cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. TP khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của Vùng kinh tế phía nam, mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như Hành lang kinh tế Ấn Độ - Mê Kông, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ...", PGS-TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận định: Phát triển kinh tế biển, lấn biển là xu thế của toàn thế giới. Trung Quốc trước đây đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế biển, từ đó tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế vùng núi và họ đã thành công. Đối với TP.HCM, Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Trong quá trình quy hoạch, tổ chức lại đơn vị hành chính tới đây, nếu Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập với TP.HCM thì cảng biển Cần Giờ cùng với các cảng biển đang hoạt động tốt ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cùng gia tăng năng lực, động lực phát triển mới cho TP.

"VN đã nói đến phát triển kinh tế biển từ rất lâu nhưng thực sự vẫn chưa có những dự án lớn mang tầm quốc tế. Chúng ta cần phải tranh thủ lấn biển được bao nhiêu hay bấy nhiêu và càng nhanh càng tốt. Bởi càng chậm trễ thì khả năng cạnh tranh với các nước sẽ càng giảm, trong khi các động lực phát triển kinh tế trên đất liền dần cạn kiệt. TP.HCM sẽ có thêm động lực phát triển mới khi tiến ra biển qua cửa ngõ Cần Giờ. Đừng lo sợ khi chưa thực hiện lấn biển, miễn là khi đã thực hiện đúng quy hoạch, đánh giá tác động môi trường biển để lựa chọn nơi thực hiện phù hợp, khai thác được hiệu quả vùng biển thuộc VN", GS-TS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Kỷ nguyên tiến biển- Ảnh 2.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/ky-nguyen-tien-bien-185250413214655434.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm