Trong năm 2025 sẽ có khoảng 20 dự án đường bộ cao tốc được khởi công trên địa bàn cả nước. Khoảng 50 dự án cao tốc khác với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào vận hành.
Cao tốc vẽ lại thị phần du lịch ngắn ngày, Cam Ranh thành ngôi nhà thân thuộc của người Sài Gòn Không chỉ cận kề Hà Nội, địa ốc Hà Nam “như hổ mọc thêm cánh” nhờ đường sắt cao tốc Bắc – Nam |
Đầu tháng 1/2025 vừa qua, liên danh Vingroup và Techcombank đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, nối hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Dự án này dự kiến có chiều dài 128,8 km với tổng mức đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng, sẽ được các bên hoàn thiện hồ sơ và bắt đầu triển khai thi công vào cuối quý I/2025.
Tương tự, ngay trong tháng đầu năm 2025, hàng loạt các dự án cao tốc trọng điểm khu vực phía Nam đều đã được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) và các địa phương chỉ đạo thúc đẩy tiến độ khởi công.
Theo đó, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (dài 51 km, tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng) vừa được BQL Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh thông báo hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường và có thể triển khai trong quý I/2025 với vốn ngân sách tham gia gần 9.700 tỷ đồng. Các dự án khác, như: dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (60 km, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng); dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (27 km, hơn 6.100 tỷ đồng); dự án mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận (91,8 km, vốn đầu tư gần 38.700 tỷ đồng)… cũng đều được chỉ đạo triển khai ngay trong quý I nhằm góp phần đạt được mục tiêu hoàn thiện 3000 km đường cao tốc trên địa bàn cả nước đến cuối năm nay và nâng tổng quy mô cao tốc đường bộ lên mức 5.000 km vào năm 2030.
Gần 50 dự án cao tốc đường bộ đang được đầu tư cam kết sẽ hoàn thiện trong năm 2025 |
Ghi nhận nhanh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho thấy, hiện nay việc gấp rút hoàn thiện các dự án cao tốc đang triển khai dang dở được các địa phương thúc đẩy khá mạnh. Các tuyến cao tốc liên vùng, như: Tuyến Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh; tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu; Bến Lức – Long Thành; Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau; Cao Lãnh – Lộ Tẻ; Cao Lãnh – An Hữu… và hàng loạt các dự án thành phần của “đại dự án” cao tốc Bắc Nam (như: dự án đường Hồ Chí Minh Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận; cầu Rạch Miễu 2…) đều đang cam kết hoàn thành trong năm 2025.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát triển hệ thống cao tốc đường bộ và các cảng hàng không là lĩnh vực đang được bố trí vốn ngân sách nhiều nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khoảng 3-5 năm trở lại đây. Lĩnh vực này hiện đang có sức thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ xã hội, nhất là nguồn vốn tín dụng tài trợ từ hệ thống ngân hàng thương mại và vốn đầu tư theo các hình thức BOT, PPP từ các tập đoàn kinh tế lớn trong nước.
Việc Chính phủ đặt ra các mục tiêu lớn như xây dựng, hoàn thiện 5.000 km cao tốc đường bộ đến năm 2030, hoàn thành cơ bản các tuyến đường chính kết nối giao thông Bắc – Nam và liên vùng cho thấy quyết tâm rất cao của Việt Nam trong việc cải thiện, nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng hiệu quả thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, đối với các địa phương, doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, việc cùng lúc tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án cao tốc lớn cũng là thách thức không nhỏ. Trong đó, bao gồm những rủi ro liên quan đến tài chính dự án, như: đội giá tổng mức đầu tư; phụ thuộc quá lớn vào vốn vay tín dụng; thiếu trầm trọng nguyên vật liệu san lấp,…
Chẳng hạn, theo những tính toán của Bộ GTVT, hiện nay việc xây mới các cao tốc liên tỉnh, liên vùng ở khu vực TP. Hồ Chí Minh – Đồng bằng Sông Cửu Long, các nhà đầu tư phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng trăm triệu mét khối cát, sỏi để san lấp nền đường. Việc phải gia tăng các công đoạn xử lý lún, sụt và đầu tư các cầu cạn khiến suất đầu tư xây dựng đường cao tốc tại ĐBSCL đội lên gấp 1,3 đến 1,6 lần so với ở các địa phương khác. Chưa kể rằng, mỗi năm sẽ phải tốn hàng nghìn tỷ đồng để bảo trì, nâng cấp và xử lý các đoạn sạt lở, có nguy cơ lún sụt, nứt gãy.
Ở góc độ đầu tư, hiện nay mặc dù ngân sách (cả Trung ương và địa phương) đều ưu tiên khá lớn cho lĩnh vực hạ tầng, thể hiện qua tốc độ giải ngân đầu tư công trong hai năm gần đây tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, trong các năm giai đoạn 2025-2030, nhu cầu vốn để đầu tư cao tốc đường bộ, đường sắt và các cảng hàng không dự kiến hàng triệu tỷ đồng.
Ngoài nguồn lực ngân sách, theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng là hướng đi bắt buộc để hoàn thành các mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để đảm bảo công bằng cho khối tư nhân khi tham gia các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Riêng về góc độ tín dụng, một số chuyên gia khuyến nghị rằng, Việt Nam nên cởi mở hơn trong việc gia tăng các khoản vay hợp vốn liên ngân hàng đối với các dự án hạ tầng giao thông hoặc thành lập quỹ đầu tư để tháo gỡ những nút thắt về thu xếp vốn. Ngoài ra, đối với các dự án ở các khu vực kinh tế khó khăn có thể xem xét nâng mức tham gia của ngân sách lên trên 50% và cam kết giải ngân kịp tiến độ để tránh thiếu vốn cục bộ, đội giá dự án, gây thiệt hại chủ đầu tư và các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ vốn.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dau-nam-tien-ty-do-vao-nhieu-cao-toc-159782.html