Nhiều người cho rằng đau lưng dưới là do làm việc quá sức, nghỉ ngơi sẽ thuyên giảm, tuy nhiên, không ít trường hợp cơn đau kéo dài, ảnh hưởng sinh hoạt.
Đau lưng dưới có liên quan đến đau do hệ thống gân cơ, dây chằng, đốt sống, đĩa đệm hay thần kinh bị tổn thương. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, đặc điểm và tần suất xuất hiện các cơn đau cũng sẽ có sự khác biệt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết đau lưng dưới là một bệnh lý rất phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như dưới đây.
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Đây là tình trạng thoái hóa đĩa đệm và các đốt sống, thường xảy ra ở những đốt sống chịu lực như cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Thoái hóa cột sống thắt lưng gây đau âm ỉ vùng lưng dưới, mức độ đau tăng khi vận động và thực hiện các động tác như cúi người, bưng đồ nặng, đứng lâu hoặc ngồi lâu. Khi bệnh tiến triển sẽ làm thoái hóa khớp liên mấu, gây ra hiện tượng đau lưng dưới gần mông, đùi, bắp chân, thậm chí là lan xuống bàn chân, có cảm giác tê bì, châm chích.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cũng tương tự như thoái hóa cột sống thắt lưng. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh, bao gồm đau lan xuống vùng mông, đùi, bắp chân, thậm chí là lan xuống bàn chân, kèm cảm giác tê bì, châm chích. Tình trạng thoát vị đĩa đệm nặng có thể gây chèn ép tủy sống, gây ra các hiện tượng nguy hiểm, cần được phẫu thuật cấp cứu như yếu liệt hoặc mất cảm giác 2 chân, rối loạn tiêu tiểu.
Đây là nguyên nhân hàng đầu của bệnh lý đau thần kinh tọa. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc theo vị trí dây thần kinh tọa, từ vùng thắt lưng qua xương chậu, đến mông rồi xuống chân.
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh. Người bệnh thường có triệu chứng đau vùng lưng dưới, mức độ đau tăng lên khi vận động, khi đi bộ lâu và thực hiện các động tác như cúi người, bưng đồ nặng. Không chỉ bị đau, người bệnh còn có thể cảm thấy tê, bỏng rát vùng mông đùi và chân, yếu chân.
Đau thắt lưng không đặc hiệu
Vùng lưng dưới được cấu tạo không chỉ bởi các đĩa đệm, đốt sống mà còn có hệ thống gân cơ và dây chằng bao phủ. Đau thắt lưng không đặc hiệu thường xảy ra do tình trạng căng thẳng của các cơ cạnh sống mà không có bệnh lý khác kèm theo.
Người bệnh có biểu hiện đau âm ỉ khi vùng lưng dưới bị chấn thương nhẹ hoặc lặp đi lặp lại một động tác gây ảnh hưởng đến khu vực này. Cơn đau có xu hướng gia tăng khi chuyển động và giảm khi nghỉ ngơi.
Viêm cột sống dính khớp
Đây là một bệnh lý tự miễn, gây viêm mạn tính kéo dài. Bệnh đặc trưng bởi cơn đau ở cột sống thắt lưng, khớp cùng chậu và các khớp ngoại vi. Ngoài ra, người bệnh thường có triệu chứng đau vùng mông và lưng dưới kéo dài, đau nhiều về đêm gần sáng, đau tăng khi nghỉ ngơi và giảm khi vận động, cứng lưng vào buổi sáng… Khi bệnh tiến triển, gây dính vùng cột sống và khớp cùng chậu, các động tác cúi, ngửa, nghiêng và xoay… của người bệnh bị hạn chế.
Viêm thân sống đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đây là tình trạng vi trùng xâm nhập vào các đốt sống hoặc đĩa đệm cột sống thắt lưng, gây viêm và nhiễm trùng. Lúc này, người bệnh sẽ có biểu hiện đau nhiều ở vùng lưng dưới vào ban đêm, khi nghỉ ngơi, sốt cao lạnh run, mệt mỏi nhiều…
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, ngoài các nguyên nhân ở hệ cơ xương khớp, đau lưng dưới còn có thể xảy ra do ung thư, bất thường ở thận, viêm ruột thừa, viêm tụy, bệnh phụ khoa…
Nếu không được chẩn đoán và có phương án điều trị thích hợp, nhiều trường hợp đau lưng dưới có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như yếu liệt tay chân, tiêu tiểu không tự chủ, thậm chí là tàn phế. Do đó, khi xuất hiện tình trạng đau lưng dưới kèm theo các biểu hiện kể trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kịp thời điều trị, giảm nguy cơ biến chứng.
Phi Hồng