Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, Chip Roy, cho biết trên Twitter: “Chúng tôi sẽ tìm cách ngăn nó vượt qua Hạ viện”. Một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cũng không đồng tình các điều khoản mới của thỏa thuận.
Việc Quốc hội Mỹ không giải quyết được mức trần nợ tự áp đặt trước ngày 5 tháng 6 có thể gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy Mỹ vào suy thoái sâu sắc.
Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ ghế 222-213, trong khi Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với chênh lệch chỉ 51-49. Khoảng cách mong manh này thực ra là cơ hội để dự luật trần nợ mới của Mỹ có thể được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ một số đảng viên ôn hòa của Đảng Cộng hòa, khi mà gần như tất cả đảng viên Dân chủ sẽ bỏ phiếu thông qua.
Thỏa thuận vừa đạt được giữa ông Biden và ông McCarthy có điều khoản trần nợ được đảm bảo cho đến tháng 1 năm 2025, sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2024, để đổi lấy giới hạn chi tiêu và cắt giảm các chương trình của chính quyền ông Biden.
Một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã chỉ trích gay gắt việc ông Biden đã bác bỏ được một số yêu cầu cắt giảm chi phí từ ông McCarthy. “Sự đầu hàng hoàn toàn đang diễn ra”, đảng viên Cộng hòa, Dan Bishop, tuyên bố.
Một số cơ quan xếp hạng tín dụng đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp, điều này sẽ đẩy chi phí đi vay lên cao và làm suy giảm vị thế của Mỹ với tư cách là xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu.
Hoàng Anh (theo Reuters, AP)